Đêm ly biệt của người vợ hiến tạng chồng
Đêm cuối cùng trước khi vĩnh biệt, chị Huyền ôm, ghé sát mặt chồng thầm thì "anh hãy đồng ý với em hiến tạng cứu người nhé".
Nói xong chị gọi tên chồng nhiều lần nhưng anh vẫn nằm đó, mắt nhắm, thở theo máy. Gương mặt anh vẫn hồng hào, trái tim anh vẫn ấm áp, đập đều trong lồng ngực, song chị biết anh không thể tỉnh lại được. "Đêm hôm ấy, thật sự khó khăn với tôi", chị Huyền nói.
Một chiều cuối tháng 10, hai vợ chồng chị vẫn đi chơi bình thường, buổi tối cùng nhau đi đón cháu. Chồng chị xem tivi đến khuya rồi vào phòng ngủ trước. Trước khi ngủ anh vẫn theo thói quen đọc báo trên điện thoại. Một giờ sau, anh tỉnh dậy đi uống nước, khi quay trở lại toàn thân nóng ran, mồ hôi đầm đìa và nôn, nói với vợ đau đầu quá không thể chịu đựng nổi.
Khi vào bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, anh vẫn tỉnh táo và có nhận thức. "Chỉ một lát sau, miệng anh ấy méo xệch đi, lưỡi cứng, chụp cắt lớp vi tính thấy chảy máu não", chị Huyền nhớ lại. Anh bị đột quỵ não, gia đình quyết định đưa lên bệnh viện trung ương ở Hà Nội, phẫu thuật.
Một ngày sau ca phẫu thuật, chị Huyền mừng rỡ khi thấy tay chân chồng có dấu hiệu động đậy. Song, buổi chiều hôm ấy anh yếu dần đi. Cuối cùng, bác sĩ chẩn đoán anh bị chết não, không còn cách nào cứu được nữa.
"Anh ấy bị huyết áp cao nhưng giấu vợ con", chị Huyền nói.
Chị Huyền kể, hàng ngày hai vợ chồng thường lướt Facebook, xem các thông tin về hiến tạng. Cả hai tâm sự với nhau rằng mai này nếu không còn sống nữa sẽ hiến tạng để mang lại cơ hội sống cho người khác. Khi mình không may chết đi, tất cả sẽ trở về với cát bụi, nếu còn một thứ gì đó tồn tại trên đời này thì thật kỳ diệu. Không chấp nhận sự thật, chị Huyền tiếp tục chuyển chồng sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ngày 1/11, kết quả chẩn đoán nhiều lần của các bác sĩ Việt Đức cũng đều tương tự: chết não.
"Lúc ấy hai vợ chồng chưa bao giờ nghĩ chính mình cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh này", chị Huyền nói.
Chị Huyền ngồi bên chồng suốt đêm dài, rồi đưa ra quyết định đầy khó khăn. Chị Huyền nghĩ rằng, mình đang làm việc tốt và chồng khi còn sống là người có tâm, anh sẽ hoàn toàn ủng hộ quyết định của vợ.
Hôm sau, khi chồng chị Huyền được rút ống thở cũng là lúc các bác sĩ bắt tay vào công việc lấy và ghép tạng. Các y bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận một gan, 2 thận, 2 giác mạc, 12 đoạn gân và 3 đoạn mạch máu từ anh để ghép cho các bệnh nhân khác.
Sau khi anh mất, gia đình mất đi trụ cột, cuộc sống vắng người đàn ông trở nên khó khăn hơn. Chị Huyền cho biết mọi người trong gia đình đều ủng hộ việc chị hiến tạng chồng, song không tránh khỏi điều tiếng từ xã hội.
"Nhưng mình bỏ ngoài tai hết, chỉ cần mình hiểu, gia đình hiểu đây là điều đúng đắn và sự ra đi của anh có ý nghĩa", chị Huyền chia sẻ.
* Tên người vợ được thay đổi.
Lê Nga
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42