Dấu hiệu nhận biết chức năng thận suy giảm
Thận yếu là khi chức năng của thận bị suy giảm.
Đây là căn bệnh khó nhận biết bằng dấu hiệu bên ngoài mà thường tiến triển âm thầm qua nhiều năm, đa phần bệnh nhân khi phát hiện bệnh thường đã ở giai đoạn cuối. Vậy làm thế nào để nhận biết được chức năng thận bị suy giảm?
Thận có chức năng quan trọng trong cơ thể, như: Giữ cân bằng dịch trong cơ thể; giữ cân bằng khoáng chất để duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan; loại bỏ các sản phẩm chuyển hóa của cơ thể (protein: ure, creatinine...); giải phóng các hormon cần thiết vào máu: EPO, Renin, hoạt hóa vitamin D...
Suy thận cấp nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể phục hồi chức năng thận.
Nguyên nhân nào gây suy giảm chức năng thận?
Suy thận cấp là một hội chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp trong hồi sinh cấp cứu. Cụ thể, suy thận cấp chức năng (còn gọi là suy thận cấp trước thận) có nguyên nhân do áp lực lọc trong các mao mạch cầu thận giảm bởi hạ huyết áp động mạch hoặc co mạnh các tiểu động mạch cầu thận, làm giảm lưu lượng máu thận. Suy thận cấp thực thể: Do tổn thương thận gây ra sự suy sụp đột ngột chức năng thận (nhiễm độc cấp, hoại tử mô thận). Suy thận cấp tắc nghẽn (còn gọi là suy thận sau thận) do tắc các đường bài tiết bởi sỏi thận, sỏi niệu quản.
Suy thận mạn: Thường do bệnh nhân mắc các bệnh cầu thận như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do bệnh hệ thống, bệnh cầu thận do chuyển hóa. Hoặc các bệnh khác như: Bệnh ống-kẽ thận mạn (do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn), bệnh mạch máu thận (xơ mạch thận, tắc tĩnh mạch hoặc động mạch thận...), bệnh thận bẩm sinh (bệnh thận đa nang, loạn sản thận, hội chứng Alport), do sỏi tiết niệu...
Diễn biến của bệnh
Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, chủ yếu là chức năng bài tiết chất thải của cơ thể sau quá trình chuyển hóa. Ngoài ra, đối với nhiều trường hợp suy thận, đặc biệt là suy thận mạn, các chức năng khác của thận bị suy giảm nghiêm trọng như điều hòa dịch, điện giải, toan kiềm, kích thích tạo máu, tổng hợp vitamin D... Các tình trạng suy giảm chức năng thận bao gồm:
Tổn thương thận cấp: Chỉ tình trạng suy giảm chức năng thận kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, thường có nguyên nhân rõ ràng. Tổn thương thận cấp thường có triệu chứng: Mệt mỏi, khó thở, nhầm lẫn, buồn nôn, đau ngực hoặc tức ngực, sưng ở chân, mắt cá chân và quanh mắt, lượng nước tiểu đào thải ra khỏi cơ thể quá ít. Trường hợp nặng có thể động kinh hoặc hôn mê. Trong một số trường hợp, tổn thương thận cấp tính không có biểu hiệu lâm sàng hay phát hiện triệu chứng và chỉ có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm tại bệnh viện hoặc các trung tâm y tế.
Suy thận cấp: Chỉ tình trạng tổn thương thận cấp nhưng có chỉ định chạy thận nhân tạo để xử lý biến chứng, bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. Các triệu chứng ban đầu của suy thận cấp là lượng nước tiểu ít hoặc không có. Các triệu chứng khi bệnh trở nên nặng hơn bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và ăn không ngon miệng. Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như không ngủ được, động kinh, ngẩn ngơ, hôn mê, ngứa, huyết áp tăng cao hoặc thấp, bầm hoặc chảy máu nhưng không rõ nguyên nhân...
Bệnh thận mạn: Chỉ tình trạng có suy giảm chức năng thận kéo dài ít nhất 3 tháng liên tục, biểu hiện qua bất thường nước tiểu, hình ảnh thận trên phương tiện chẩn đoán, hay bất thường mô học khi sinh thiết. Đây là tình trạng không hồi phục, được phân làm 5 giai đoạn khác nhau tùy thuộc vào chức năng thận còn lại.
Suy thận mạn giai đoạn cuối: Khi chức năng thận giảm nặng (dựa vào độ lọc cầu thận ước đoán - eGFR dưới 15ml/phút), bệnh nhân phải được điều trị thay thế thận. Lọc máu chu kỳ và dùng các thuốc thay thế chức năng thận. Bệnh nhân có triệu chứng: giảm lượng nước tiểu; mất khả năng đi tiểu; mệt mỏi, khó chịu; đau đầu; sụt cân không có lý do; mất cảm giác ăn ngon; buồn nôn, nôn; da khô, ngứa ngáy; thay đổi màu da; đau trong xương; hay nhầm lẫn, khó tập trung...
Lời khuyên của thầy thuốc
Suy thận cấp có tỷ lệ tử vong cao, nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì chức năng thận có thể phục hồi hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn. Hiện nay phương pháp điều trị hữu hiệu nhất là lọc máu bằng thận nhân tạo, kết hợp với điều trị bệnh chính. Khi nguyên nhân gây tổn thương thận được loại trừ, chức năng thận có thể dần dần phục hồi trở lại bình thường hoặc gần bình thường. Vì vậy, khi có biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
ThS.BS. Lê Tiến Minh
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-nhan-biet-chuc-nang-than-suy-giam-n187392.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42