'Chuyển viện trong tử cung' cứu sống bé sinh non
Chị Linh 35 tuổi, mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, hơn 6 tháng thì rỉ ối, bác sĩ khuyên chấm dứt thai kỳ để khỏi nguy hiểm.
Chị Linh mang thai con trai đầu lòng sau 4 năm hiếm muộn. Lần này thai mới 24 tuần bị rò ối. Sau một tuần nằm viện theo dõi, bác sĩ khuyên chấm dứt sớm thai kỳ, nếu không sẽ ảnh hưởng tính mạng cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên em bé quá non tháng, bác sĩ không chắc chắn về khả năng sống sau chào đời.
Bé trai chào đời 800 gram hiện nặng 4,5 kg khi hơn 4 tháng tuổi, phát triển khoẻ mạnh. Ảnh: Lê Phương.
"Tôi rất hoang mang, không biết nên làm gì, bắt đầu mọi thứ từ đâu", chị Linh nhớ lại. Anh Hoàng Phương, chồng chị Linh tìm hiểu thông tin khắp nơi, được giới thiệu đến gặp bác sĩ Lê Văn Đức, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Hạnh Phúc. Ngày 7/8, chị nhập viện khi thai 25 tuần 5 ngày. Bác sĩ Đức kiểm tra kỹ sức khỏe của mẹ và bé, tư vấn những khó khăn, nguy cơ có thể xảy ra.
"Chỉ số bạch cầu tăng cao nhưng bệnh nhân không sốt, vì vậy có thể cố gắng kéo dài thêm tuổi thai được ngày nào thì càng tốt cho em bé", bác sĩ Đức nói. Khi thai 24-26 tuần, mỗi ngày giữ được thai nhi trong bụng mẹ có thể tăng thêm 2-3% cơ hội sống cho bé.
Bác sĩ Đức hội chẩn cùng tiến sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng Khoa Nhi Sơ sinh và Hồi sức Sơ sinh của bệnh viện, lên kế hoạch "chuyển viện trong tử cung" để chăm sóc bé khi chào đời. Khoa Sản từng tiếp nhận nhiều ca cực khó, cộng với sự phát triển của kỹ thuật hồi sức sơ sinh nên các y bác sĩ tự tin hơn, không ngần ngại quyết định giữ sản phụ điều trị.
Ngày 12/8, sau 5 ngày theo dõi, chị Linh bắt đầu sốt, không thể kéo dài thêm. Bác sĩ quyết định cho sản phụ sinh thường bé trai nặng 800 g. Sau sinh bé tím tái, không thở được. Bé được áp dụng phác đồ "giờ vàng", hồi sức tích cực trong 60 phút đầu đời. Bác sĩ nhi sơ sinh có mặt tại phòng sinh hỗ trợ áp lực dương liên tục giúp phổi bé không bị xẹp. Nữ hộ sinh chuẩn bị giường sưởi ấm với nhiệt độ 36,5 độ C, dùng túi nhựa giữ nhiệt để bọc em bé lúc vừa rời bụng mẹ.
Sau 10 phút ổn định, bé được chuyển về phòng hồi sức sơ sinh, nơi cách phòng sinh chỉ một lớp cửa nên quá trình di chuyển rất nhanh chóng. Bác sĩ và điều dưỡng chuẩn bị sẵn dụng cụ đặt catheter vào tĩnh mạch rốn, thiết lập đường truyền tĩnh mạch để cung cấp dung dịch đường giúp bé không bị hạ đường huyết. Bé được bơm surfactant vào nội khí quản ổn định hô hấp.
"Phác đồ giờ vàng giúp quá trình điều trị tiếp theo nhẹ nhàng, không xâm lấn, không can thiệp thủ thuật nhiều, bé giảm nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, cải thiện dự hậu về sau", bác sĩ Phượng phân tích.
Bé xuất viện ngày 2/11, không có các dị tật tim, não, võng mạc như thường gặp ở trẻ sinh non tháng nhẹ cân.
Chiều 25/12, bé trai tái khám, kháu khỉnh, vui đùa rồi ngủ ngoan trong vòng tay bố khi gặp bác sĩ. Hiện bé nặng 4,5 kg, phát triển ổn định.
"Tại Việt Nam, đa số bà mẹ có nguy cơ sinh non vẫn chưa nhận thức được về sự cần thiết và lợi ích việc chọn bệnh viện có khoa Hồi sức sơ sinh để sinh con", bác sĩ Phượng nói. Trẻ sinh rất non và cực non là nhóm trẻ dễ bị tổn thương nhất, với tỷ lệ tử vong cao do các cơ quan trong cơ thể chưa trưởng thành. Theo bác sĩ Phượng, "chuyển viện trong tử cung" là chuyển các thai phụ có nguy cơ sinh non đến các bệnh viện có khả năng hồi sức trẻ sinh rất non. Đây là giải pháp được áp dụng từ lâu ở nhiều nước trên thế giới, giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trẻ sinh rất non. Hiện nay tại Mỹ, Australia, các nước Bắc Âu, 95% các bà mẹ thai kỳ có nguy cơ sinh non dưới 32 tuần tuổi thai, cân nặng ước tính dưới 1,5 kg đều được chuyển đến sinh tại các bệnh viện có khoa Hồi sức sơ sinh.
Trẻ rất non nếu sinh tại các bệnh viện không có trung tâm hồi sức sơ sinh và giữ điều trị tiếp sẽ có tỷ lệ tử vong cao hơn so với trẻ sinh tại bệnh viện có khoa hồi sức sơ sinh. Trường hợp bà mẹ chuyển dạ sinh non tại cơ sở không có khả năng điều trị trẻ sinh non, sau sinh phải chuyển viện khiến trẻ dễ gặp nguy hiểm khi di chuyển, khả năng để lại di chứng cao.
Hầu hết trường hợp sinh non đều không biết nguyên nhân, trong đó có một số yếu tố nguy cơ kèm theo như thai phụ dưới 16 tuổi hay trên 35 tuổi, có công việc phải đứng lâu, có các bệnh lý như dị dạng tử cung, cổ tử cung ngắn... Các yếu tố nguy cơ từ thai như thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai thụ tinh ống nghiệm đa thai như sinh đôi, sinh ba.
Sau sinh, trẻ sinh non có nhiều nguy cơ như hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và nhiễm trùng. Nhóm trẻ này có nhu cầu chăm sóc đặc biệt, cần được hồi sức ngay sau sinh với đội ngũ y bác sĩ có kỹ năng chuyên sâu, máy móc cùng phương tiện xét nghiệm hiện đại, môi trường chăm sóc vệ sinh.
Lê Phương
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42