Cha mẹ cần làm gì để phòng ngừa hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ sau mắc COVID-19?
Hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ. Nhưng ở một số trẻ sau khi khỏi bệnh từ 2 đến 6 tuần có thể gặp hội chứng viêm đa hệ thống. Các triệu chứng viêm nghiêm trọng xảy ra ở các cơ quan và mô có thể dẫn tới tổn thương vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
1. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ sau mắc COVID-19 là gì?
Trẻ em mắc COVID-19 thường tiến triển tốt lên và khỏi bệnh nếu được chăm sóc đúng cách. Chỉ một số trường hợp gặp phải Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (Multisystem inflammatory syndrome in children viết tắt: MIS-C). Đây là một nhóm các dấu hiệu và triệu chứng hiếm gặp ở trẻ em sau khi nhiễm COVID-19 được mô tả ở trẻ có độ tuổi từ 3 đến 12 tuổi (trung bình là 8 tuổi). Ít trường hợp xảy ra ở trẻ lớn hơn và trẻ sơ sinh.
Trẻ em mắc Hội chứng viêm đa hệ thống sau COVID-19 cần được thăm khám và điều trị trong bệnh viện.
Mặc dù, không phải tất cả trẻ đều có các triệu chứng giống nhau, song Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em thường bao gồm những dấu hiệu sau:
- Sốt kéo dài 24 giờ hoặc lâu hơn.
- Cảm thấy mệt mỏi bất thường.
- Nhức đầu, chóng mặt hoặc choáng váng.
- Nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.
- Phát ban da.
- Nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh.
- Mắt đỏ.
- Đỏ hoặc sưng môi và lưỡi.
- Đỏ hoặc sưng bàn tay hoặc bàn chân.
- Sưng hạch bạch huyết.
Những dấu hiệu cảnh báo tình trạng khẩn cấp của Hội chứng viêm đa hệ thống cho thấy trẻ cần được đưa tới cơ sở y tế ngay gồm:
- Đau bụng dữ dội
- Khó thở
- Da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, xám hoặc xanh lam - tùy thuộc vào tông màu da.
- Li bì, không tỉnh táo, lú lẫn…
2. Điều trị hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ như thế nào?
Trẻ em mắc Hội chứng viêm đa hệ thống cần được thăm khám và điều trị trong bệnh viện. Một số cần được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em. Tuy nhiên, đa số trẻ em mắc hội chứng này cuối cùng sẽ hồi phục khi được chăm sóc y tế kịp thời.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và vị trí cơ quan, bộ phận của cơ thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm, mà phác đồ điều trị được đưa ra cho từng bệnh nhân sẽ khác nhau. Điều trị Hội chứng viêm đa hệ thống bao gồm chăm sóc giảm nhẹ và điều trị viêm ở cơ quan bị ảnh hưởng để ngăn cản tổn thương vĩnh viễn.
Chăm sóc giảm nhẹ có thể bao gồm: Các biện pháp bù nước nếu có dấu hiệu mất nước, các liệu pháp oxy trợ thở, thuốc huyết áp để ổn định huyết áp và hỗ trợ chức năng tim, thuốc làm giảm nguy cơ đông máu như aspirin hoặc heparin. Một số ít trường hợp cần dùng oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO)…
Để điều trị viêm các liệu pháp sau được sử dụng: Thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm steroid, globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch, phương pháp điều trị khác (như các liệu pháp nhắm mục tiêu làm giảm nồng độ cytokine- một protein gây viêm)…
3. Làm gì để phòng ngừa hội chứng viêm đa hệ thống?
Cách tốt nhất để phòng ngừa Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ là ngăn cản virus xâm nhập và lây lan. Những khuyến cáo dưới đây cần được thực hiện để tránh tiếp xúc hoặc nhiễm virus gây ra COVID-19:
- Tiêm vaccine COVID-19 ngay khi có thể. Vaccine giúp làm giảm tỉ lệ lây nhiễm và giảm tỉ lệ gặp triệu chứng hay biến chứng nặng ở bệnh nhân.
- Giữ tay sạch sẽ: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, sử dụng chất khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn.
- Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh: Đặc biệt, tránh những người đang ho, hắt hơi hoặc có các dấu hiệu khác cho thấy họ bị bệnh và có khả năng truyền nhiễm virus, vi khuẩn.
- Thực hiện giãn cách xã hội: Khi ra khỏi nhà, mọi người nên giãn cách nhau ít nhất 2 mét.
- Đeo khẩu trang ở nơi công cộng: Khi ở những nơi công cộng trong nhà hoặc ngoài trời, nơi có nguy cơ cao lây truyền COVID-19, chẳng hạn như tại một sự kiện tụ tập đông người, người lớn và trẻ trên 2 tuổi nên đeo khẩu trang che kín mũi và miệng. Có thể sử dụng khẩu trang vải hoặc các loại khẩu trang chuyên biệt hơn tùy thuộc vào việc được tiêm chủng đầy đủ hay chưa.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng: Khuyến khích trẻ làm theo hướng dẫn của người lớn và tránh chạm vào mặt trẻ.
- Che miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi hắt hơi hoặc ho: Nên tập che miệng khi hắt hơi hoặc ho để tránh lây lan vi sinh vật.
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều mỗi ngày: Các bề mặt này bao gồm các khu vực trong nhà như tay nắm cửa, công tắc đèn, điều khiển từ xa, tay cầm các thiết bị/ đồ dùng, mặt bàn, ghế, bàn làm việc, bàn phím, vòi nước, bồn rửa và nhà vệ sinh…
- Giặt quần áo và các vật dụng khác khi cần thiết: Thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất, sử dụng chế độ giặt ấm nhất thích hợp trên máy giặt. Một số đồ chơi của trẻ có thể cần được sát khuẩn hoặc giặt thường xuyên.
Khi trong nhà có trẻ nhiễm COVID-19, cần theo dõi chặt chẽ xem có dấu hiệu mắc phải Hội chứng viêm đa hệ thống không. Nếu có bất cứ triệu chứng nghi ngờ, hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cần chăm sóc bản thân tốt nhất có thể bằng cách ăn uống đủ chất, kết hợp ngủ nghỉ và hoạt động thể chất điều độ. Và giải tỏa căng thẳng bằng một số kỹ thuật như hít thở sâu, thư giãn cơ và thiền giúp bình tĩnh, vượt qua những lo lắng không đáng có.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42