Cảnh giác biến chứng của viêm phế quản cấp
Thời tiết chuyển mùa khiến cơ thể dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, trong đó có viêm phế quản cấp. Biến chứng của bệnh có thể nguy hiểm, gây suy hô hấp cấp. Lâu ngày bệnh có thể tiến triển thành mạn tính, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe.
Phế quản là một ống dẫn khí thuộc hệ hô hấp dưới, nằm nối tiếp phía dưới khí quản, ở ngang mức đốt sống ngực 4, 5, sau đó phân chia thành các nhánh nhỏ đi sâu vào trong phổi tạo thành cây phế quản. Bắt đầu từ nơi phân chia của khí quản đến rốn phổi, phế quản được chia thành phế quản chính phải và phế quản chính trái có nhiệm vụ dẫn khí vào phổi. Hai phế quản tạo với nhau một góc 70 độ. Phế quản chính phải thường ngắn hơn, to hơn, dốc hơn nên khi có dị vật, dị vật thường lọt vào phổi phải. Nhìn tổng thể, hệ thống phế quản ở người trông giống như cành cây nên thường được gọi là cây phế quản. Sự phân chia cây phế quản cùng là cơ sở để phân chia các thuỳ phổi.
Phế quản sau khi chia ra phế quản chính phải và phế quản chính trái đi vào 2 bên phổi sẽ tiếp tục phân chia thành các phế quản phân thùy nhỏ dần như sau:
Phế quản bên phải tương ứng với các thùy phổi mà phế quản bên phải tiếp tục phân chia thành các nhánh phế quản nhỏ hơn. Tương tự phế quản bên phải, phế quản bên trái cũng tiếp tục phân chia thành 10 phế quản phân thùy nhỏ hơn. Các nhánh phế quản sau khi đi vào trong phổi tiếp tục được chia thành nhiều nhánh nhỏ hơn nữa đến tận cùng là các phế nang.
Niêm mạc phế quản là bộ phận đảm nhận vai trò giữ lại các hạt bụi, chất độc hại và vận chuyển chúng ra ngoài, giữ sạch đường thở. Bệnh viêm phế quản cấp xảy ra khi niêm mạc phế quản từ thanh quản đến nhu mô phổi bị viêm nhiễm dẫn tới các vấn đề viêm mũi, họng, thanh quản,...
Viêm phế quản cấp thường xảy ra vào mùa lạnh, do virus và vi khuẩn gây ra. Bệnh có thể trầm trọng đối với trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người có thể trạng yếu, suy giảm miễn dịch, có bệnh mạn tính như hen, giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính...
Với một số người, bệnh viêm phế quản cấp dễ bị bội nhiễm khiến bệnh kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng viêm phế quản mạn tính. Viêm phế quản mạn có thể dẫn tới bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bệnh viêm phế quản cấp nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nhận biết viêm phế quản cấp
Bệnh viêm phế quản cấp thường xuất hiện cùng lúc hoặc ngay sau khi bị viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ho khan, rát họng. Diễn tiến bệnh viêm phế quản cấp thường qua 2giai đoạn:
Giai đoạn 1: Kéo dài 3 - 4 ngày, người bệnh có các triệu chứng như: sốt 38 - 40oC, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, có thể có cảm giác nóng rát sau xương ức. Khó thở nhẹ, có thể có tiếng rít, ho khan, ho thành cơn về đêm. Nghe phổi có ran rít, ran ngáy.
Giai đoạn 2: Thời gian từ 6 - 8 ngày, hay còn gọi là giai đoạn xuất tiết, các triệu chứng ở giai đoạn đầu giảm, người bệnh ho khạc đờm nhầy hoặc đờm mủ. Nghe phổi có ran ẩm. Lúc này viêm phế quản biểu hiện bằng các thể bệnh: viêm phế quản xuất huyết thường ho ra máu với số lượng ít lẫn đờm. Viêm phế quản cấp thể tái diễn thường kèm theo các yếu tố thuận lợi như hút thuốc lá, hít phải khí độc.
Coi chừng viêm phế quản biến chứng
Bệnh viêm phế quản cấp nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong một số trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, những ổ viêm nhiễm ở phế quản không được điều trị dứt điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho viêm phổi, viêm giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính, suy hô hấp cấp. Ở trẻ em có thể gặp biến chứng viêm phế quản bít tắc. Đôi khi viêm phế quản cấp là sự khởi đầu của một bệnh hen phế quản. Nếu người bệnh bị cúm có bội nhiễm viêm phế quản thì bệnh trở nên nặng, điều trị rất khó khăn.
Những người có biểu hiện ho, khó thở, nhất là những trường hợp nặng, tại bệnh viện sẽ được làm xét nghiệm máu, chụp Xquang phổi, cấy đờm để loại trừ một vài bệnh khác như lao phổi, ung thư phổi, giãn phế quản, hen phế quản, dị vật vào đường hô hấp hoặc phổi bị ứ đọng trong các trường hợp suy tim.
Các biến chứng thường gặp:
Bệnh có thể dễ dàng tiến triển thành viêm phế quản mạn tính nếu lơ là điều trị. Đây là biến chứng phổ biến nhất của viêm phế quản cấp, đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Đây là 2 đối tượng mà sức đề kháng yếu, hoặc đã bị suy giảm, nếu mắc viêm phế quản cấp mà không chữa trị tích cực thì bệnh sẽ nhanh chóng chuyển thành mạn tính rất khó điều trị. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, tình trạng viêm phế quản mạn tính sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển của trẻ.
Tiến triển thành bệnh viêm phổi là biến chứng đáng ngại do viêm phế quản cấp. Ngoài ra còn có thể tiến triển thành áp-xe phổi, thực chất là nhiễm trùng phổi, là tình trạng các mô xung quanh phổi bị sưng tấy và có thể có mủ. Áp-xe phổi có thể gây tử vong.
Để tránh biến chứng do viêm phế quản cấp ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người bệnh cần đi khám và điều trị ngay khi mới có triệu chứng bệnh. Tùy vào mức độ và tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, ngăn ngừa bệnh tiến triển và gây biến chứng.
BS. Lê Định
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/canh-giac-bien-chung-cua-viem-phe-quan-cap-n187783.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42