Biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu
Người mắc bạch hầu dễ gặp các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi do liệt cơ hoành, liệt tay, liệt chân, viêm cơ tim nếu độc tố ngấm vào máu. Tỷ lệ tử vong 5-10%.
Bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y dược TP HCM, cho biết bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có khả năng miễn dịch thấp. Bệnh hiện đã có vaccine phòng bệnh, nhưng vẫn có thể xảy ra ở những khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Trong nhiều trường hợp, vi khuẩn của người bệnh có thể lây nhiễm và tồn tại trên bề mặt của các đồ vật xung quanh từ vài ngày đến vài tuần, ví dụ: trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần... Bệnh dễ lây hơn trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Trung bình, sau khi hít phải vi khuẩn 2-5 ngày, người bệnh sẽ phát bệnh. Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, sẽ có các biểu hiện nặng, nhẹ khác nhau. Triệu chứng bệnh chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Một số biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi do liệt cơ hoành... Khi bệnh tiến triển nặng lên, có thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp.
Ngoài ra, các độc tố bạch hầu khi ngấm vào máu sẽ gây tình trạng nhiễm độc toàn thân, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác, gây viêm cơ tim hoặc loạn nhịp tim, dẫn đến tử vong.
Vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu. Ảnh:homeopathyplus.
Theo bác sĩ, người đã tiêm phòng bệnh bạch hầu hoặc đã từng mắc bệnh bạch hầu trong quá khứ vẫn có khả năng nhiễm lại do cơ thể không tạo ra khả năng miễn dịch hoặc khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian.
Một số trường hợp mắc bạch hầu tử vong có thể do không được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Các trường hợp hiếm gặp có thể do cơ địa có khiếm khuyết trong hệ miễn dịch nên không tạo được khả năng miễn dịch mặc dù được tiêm phòng đầy đủ.
Để đánh giá hiệu quả của tiêm vaccine bạch hầu, bạn có thể thực hiện phản ứng Schick. Nếu phản ứng Schick (+), có nghĩa là cơ thể không có kháng thể bạch hầu và cần phải tiêm vaccine; nếu phản ứng Schick (-), có nghĩa là trong cơ thể đã có kháng thể trung hòa độc tố và không cần tiêm.
Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vaccine, bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Sau khi có vaccine, tỷ lệ mắc bạch hầu giảm xuống dưới 0,01/100.000 dân.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong khoảng vài năm trở lại, bệnh bạch hầu xuất hiện nhiều tại những tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Đăk Nông,...Nguyên nhân do vùng sâu vùng xa, tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc người dân không hợp tác tiêm chủng toàn diện.
Cụ thể, tháng 8/2019, một bé trai 7 tuổi ở Đăk Lăk được ghi nhận là người đầu tiên chết vì bệnh bạch hầu trong năm. Tháng 6/2020, tỉnh Đăk Nông ghi nhận 12 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó một bé gái 9 tuổi tử vong, xác định bị bệnh bạch hầu biến chứng tim. Chính quyền xã cũng lập hai đội chốt chặn, cách ly toàn bộ các gia đình tại khu vực ổ dịch.
"Bạch hầu là bệnh có thuốc đặc hiệu nên có thể điều trị hiệu quả. Người mang mầm bệnh không phát hiện kịp thời sẽ trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng", bác sĩ nhấn mạnh.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng ngừa. Vaccine phòng bệnh bạch hầu thường được phối hợp với vaccine phòng ho gà, uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đối với trẻ nhỏ: 3 mũi đầu cách nhau một tháng, tiêm nhắc lại sau một năm, mũi tiếp theo cách 7-10 năm. Đối với người lớn: 2 mũi cách nhau một tháng, mũi nhắc lại cách 9-12 tháng, mũi tiếp theo cách khoảng 10 năm.
Lưu ý, không tiêm vaccine khi sốt mà phải đợi thân nhiệt hạ về mức bình thường. Người lớn có bệnh nền cần đợi bệnh thuyên giảm rồi mới tiêm, dưới sự theo dõi của bác sĩ. Phụ nữ có thai nên tiêm phòng bạch hầu trong 3 tháng cuối thai kỳ (từ tuần 27 đến trước tuần 35), giúp bảo vệ em bé khi ra đời.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có những biểu hiện nghi bạch hầu như sốt, đau họng, xuất hiện giả mạc trắng xám trong họng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Riêng người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh, hạn chế tụ tập đông người theo yêu cầu của cơ quan y tế.
Thùy An
Link nguồn:
https://vnexpress.net/bien-chung-nguy-hiem-cua-benh-bach-hau-4119536.html
Theo vnexpress.net
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42