Biến chứng của trào ngược dạ dày và cách khắc phục
Trào ngược dạ dày là bệnh tiêu hóa điển hình rất phổ biến ở nước ta. Bệnh thường diễn biến thầm lặng, kéo dài khiến người bệnh chủ quan. Trào ngược dạ dày có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.
1. Trào ngược dạ dày là gì?
Khi cơ thể khỏe mạnh bình thường, thức ăn sau khi được đưa vào miệng và xuống đến thực quản, các cơ thắt thực quản giãn ra để cho thức ăn cùng các chất lỏng đi vào dạ dày rồi lại đóng lại. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân bị trào ngược dạ dày sẽ gặp tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên phần thực quản (là phần ống nối từ miệng đến dạ dày), khiến cho lớp niêm mạc thực quản bị kích thích và gây nên nhiều triệu chứng khó chịu.
2. Những biểu hiện của trào ngược dạ dày
- Buồn nôn và có thể nôn ra thức ăn hoặc dịch vị, nhất là sau khi ăn quá no hoặc nằm liền sau ăn. Hoặc có cảm giác mắc nghẹn thức ăn.
- Đau tức ngực: Cơn đau ở thượng vị hay cảm giác khó chịu sau xương ức có thể nhầm lẫn với triệu chứng của nhiều bệnh khác, nhất là bệnh tim mạch.
- Nghẹn, khó nuốt: Khi tình trạng trào ngược không được điều trị kịp thời sẽ gây ra phù nề, sưng tấy thực quản khiến người bệnh cảm giác khó nuốt, vướng nghẹn ở cổ.
- Khản giọng và ho liên tục do dây thanh quản khi tiếp xúc với axit dạ dày làm sưng tấy.
- Nhiều nước bọt: Miệng sẽ tiết ra nhiều nước bọt nhiều hơn bình thường để trung hòa axit. Khi dịch vị trào lên có kèm theo dịch mật khiến người bệnh cảm thấy đắng miệng. Ngoài ra người bệnh có thể chán ăn, sụt cân, bị thiếu máu, hoặc chảy máu ở đường tiêu hóa.
3. Nguyên nhân trào ngược dạ dày
Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh đa số do: Sự suy yếu của cơ thắt thực quản dưới và sự dư thừa axit hay sự quá tải bên trong dạ dày.
Ngoài nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng nêu trên, người bệnh bị trào ngược dạ dày còn được cho là bởi các vấn đề sau:
- Uống một số các thuốc như Cholecystokinine, glucagon, aspirin,...
- Uống nhiều đồ uống chứa chất kích thích quá nhiều: cafe, thuốc lá,...
- Mắc các bệnh lý liên quan đến thực quản như: Tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản, nhiễm trùng thực quản,...
Nguyên nhân gia tăng acid trong dịch vị gây trào ngược dạ dày
- Do người bệnh mắc các bệnh lý dạ dày như: viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày hay hẹp hang môn vị dạ dày…
Thói quen ăn uống không lành mạnh: Ăn quá nhiều, quá no, ăn quá nhiều thực phẩm khó tiêu như chất đạm nhiều và đồ uống có ga,...
Trào ngược dạ dày, cũng giống như các bất thường khác về sức khỏe, nếu diễn tiến trong thời gian dài mà không được điều trị đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
4. Biến chứng của trào ngược dạ dày
- Viêm, loét thực quản: Đây là biến chứng phổ biến nhất, dịch dạ dày trào lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm. Có thể làm người bệnh gặp các triệu chứng như: khó nuốt, đau ngực… Đặc biệt đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, ói mửa, mất cảm giác thèm ăn.
- Hẹp thực quản: Khi bị trào ngược, acid từ dạ dày trào lên thực quản sẽ ăn mòn lớp niêm mạc dẫn đến viêm thực quản. Trào ngược kéo dài sẽ khiến thực quản bị những tổn thương gây các mô sẹo gây hẹp bên trong thực quản.
- Barrett thực quản (tiền ung thư thực quản): xảy ra ở 8-15% bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản kéo dài, nhưng lại là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Đây là tình trạng các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị biến đổi màu sắc, do sự tiếp xúc lặp đi lặp lại với axit dạ dày.
- Ung thư biểu mô tuyến thực quản thường gặp ở những bệnh nhân trên 50 tuổi và có khả năng gây tử vong cao. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng cụ thể rõ ràng. Khi đến giai đoạn phát triển, có thể xuất hiện đau ở xương ức sau, khàn tiếng, sụt cân nhanh bất thường, nuốt nghẹn…
Ngoài ra dịch axit trào lên được tới đường hô hấp trên cũng có thể gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản hay phổi. Một số bệnh nhân bị khàn tiếng do dây thanh quản trong cổ họng bị dày lên. Ngoài ra, người bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai,...
5. Khắc phục trào ngược dạ dày
- Không nên ăn quá no
- Ăn thành từng bữa nhỏ;
- Lựa ăn các thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit như: bánh mì, bột yến mạch hay đạm dễ tiêu;
- Hạn chế ăn thực phẩm kích thích tăng tiết axit hay kích thích cơ thắt dưới thực quản: hoa quả có hàm lượng axit cao (chanh, cam, dứa...) và các sản phẩm từ sữa;
- Giảm ăn thực phẩm giàu chất béo; chua cay;
- Không hút thuốc, uống rượu bia, đồ uống có gas;
- Giữ cân nặng hợp lý;
- Không nằm hoặc vận động, lao động ngay sau khi ăn;
- Giảm stress; không ăn muộn vào buổi tối, không cúi quá lâu, không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn.
- Ngủ nằm đầu cao 15 cm so với chân.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42