Bí kíp ngừa nhiễm virus cúm A
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A chủng H1N1, H5N1, H7N9,... gây nên. Trong đó, cúm A/H5N1 và A/H7N9 thường lưu hành ở các loài gia cầm và có khả năng lây nhiễm sang người. Cúm A thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường. Tuy nhiên, bệnh còn kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm có thể khiến người bệnh tử vong nhanh, tiềm ẩn nguy cơ gây thành dịch, do đó cần được theo dõi chặt chẽ.
Cúm A vào mùa, nhiều trẻ nhập viện
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, miền Bắc trở lạnh, bệnh nhi mắc cúm, đặc biệt là cúm A tăng mạnh. Nhiều bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi, viêm não.
Trong 2 tháng vừa qua, đơn vị này ghi nhận nhiều ca nhập viện vì cúm, với nhiều bệnh nhi bị biến chứng nặng nề. Điển hình là bé H.T.V (9 tuổi, quê Thái Bình) đã qua cơn nguy hiểm nhưng tình trạng sức khỏe còn yếu. Trước đó, V. nhập viện trong tình trạng sốt cao, xuất hiện cơn co giật. Xét nghiệm cho thấy V. bị nhiễm virus cúm A. nhưng đã gây biến chứng lên não. Trong thời gian đầu điều trị, V. không ngồi dậy được, nhận thức kém, lơ mơ. Sau vài ngày điều trị tích cực, hiện bé hồi phục dần, tuy nhiên vẫn còn mệt mỏi. Đôi lúc, bệnh nhi có thể tự đi lại.
Tương tự như bé V, bé N.M.H (2 tháng tuổi, ở Hà Nội) cũng nhập viện do mắc cúm A, với các biểu hiện ban đầu chỉ là ho, sổ mũi. Mẹ của bé H. cho biết, bé bị lây cúm từ người chị nhưng bệnh lại diễn biến nhanh, nặng hơn.
Theo các bác sĩ, trong 2 tháng qua, đơn vị này ghi nhận 820 ca cúm nhập viện. Riêng trong tháng 11, con số này lên tới gần 500 ca, tăng 10-20% số bệnh nhân so với trước.
Một số triệu chứng khi nhiễm virus cúm A.
Bệnh cúm A nguy hiểm thế nào?
Bệnh cúm A là loại phổ biến nhất, nguy hiểm và rất dễ lây lan. Virus cúm A, nhất là cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống đến 48 giờ trên bề mặt các vật dụng thông thường như tay nắm cửa, bề mặt tủ, bàn ghế... tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Đặc biệt, virus cúm A có thể sống đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22oC và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0oC.
Bệnh cúm A có thể có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, và khác nhau tùy theo từng người.
Các triệu chứng phổ biến của cúm A bao gồm: mệt mỏi, nghẹt mũi, ho, đau đầu, đau họng, nhức mỏi cơ thể, ớn lạnh, sốt, nôn hoặc tiêu chảy, thường gặp ở trẻ em. Một số người gặp các triệu chứng nghiêm trọng: tức ngực, khó thở, đau nhiều, yếu nhiều, sốt cao, co giật, chóng mặt... Đa phần người mắc sẽ tự khỏi sau khi được nghỉ ngơi sau vài ngày, một số đối tượng như người già, trẻ em, người có hệ miễn dịch yếu nếu mắc bệnh cúm sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác, hoặc gặp biến chứng bệnh ở thể nặng, gây nguy hiểm tính mạng.
Biến chứng nặng nhất của cúm A chính là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, khạc ra đờm đặc có lẫn máu... dẫn đến viêm phổi cấp tính, thiếu oxy và tử vong nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Do vậy, khi có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp, cần đến bệnh viện xét nghiệm khẳng định bị mắc virus cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Phải làm gì?
Bệnh cúm A do virus hiện chưa có thuốc đặc trị, do đó tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Vắc-xin cúm giúp tạo kháng thể chủ động bảo vệ lên đến 97%. Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm, phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm vắc-xin cúm càng sớm càng tốt, tiêm nhắc lại cúm hàng năm để phòng bệnh dịch (vì vắc- xin cúm chỉ có hiệu lực phòng bệnh trong vòng 1 năm). Phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu nếu nhiễm cúm B, người mẹ có khả năng sinh non hoặc sẩy thai, do đó phụ nữ trước khi mang thai cần tiêm vắc-xin ngừa cúm để bảo vệ cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ và những tháng đầu sau sinh.
Ngoài biện pháp đặc hiệu là tiêm vắc-xin, cần thực hiện một số biện pháp sau: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc sát khuẩn tay nhanh, vệ sinh mũi họng hàng ngày, mang khẩu trang khi đến nơi đông người. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là không gian sống của mỗi cá nhân và gia đình. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
BS. Nguyễn Mạnh Hùng
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/bi-kip-ngua-nhiem-virus-cum-a-n184509.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42