Bệnh mạch vành có thể dẫn đến các cơn nhồi máu cơ tim nguy hiểm
Bệnh mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp lại làm ảnh hưởng đến quá trình nuôi tim. Nếu bệnh mạch vành trở nặng sẽ khiến máu lưu thông kém và khó khăn hơn khiến người bệnh xuất hiện các cơn đau thắt ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim.
1. Nguyên nhân gây ra bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là do sự lắng đọng cholesterol trong máu gây tổn thương lớp lót trên thành mạch khiến vùng này bị viêm mãn tính. Khi lớp lót trên thành mạch này bị viêm, cơ thể sẽ tự sản sinh phản ứng viêm khiến cho một lượng lớn tiểu cầu và các tế bào miễn dịch được huy động về đây để làm lành cho vết thương.
Mảng xơ vữa trên thành động mạch vành.
Qua thời gian, các tế bào này sẽ kết dính với canxi và cholesterol tạo nên mảng xơ vữa trên thành mạch và có thể bong và làm tổn thương động mạch. Và khi các mảng ấy nứt vỡ chúng tạo thành các cục máu đông gây cản trở dòng máu, thậm chí, nó có thể khiến cho toàn bộ mạch vành bị tắc nghẽn gây ra những cơn nhồi máu cơ tim. Mặt khác, khi các mảng này bị kích thích và hoạt động không đúng sẽ làm mạch vành co bóp thất thường và khi đó động mạch bị thu hẹp hơn.
2. Các loại bệnh mạch vành thường gặp
Đa số các trường hợp bị bệnh mạch vành đều bị xơ vữa động mạch. Một số khác có thể bị thu hẹp mạch máu. Chính vì thế, dựa vào vào thực tế này, các chuyên gia chia bệnh mạch vành thành 3 loại:
- Bệnh mạch vành do mảng xơ vữa: Các mảng xơ vữa có thể mềm hoặc cứng, được hình thành từ triglyceride, cholesterol, canxi… ở trên thành mạch vành. Những mảng cứng sẽ khó nứt vỡ và khó tạo thành cục máu đông. Còn những mảng mềm dễ nứt vỡ tạo thành cục máu đông và là nguyên nhân gây ra bệnh đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
- Bóc tách động mạch vành tự phát: Đây là tình trạng khi các lớp của thành mạch vành bỗng nhiên rách ra và khiến cho máu bị chảy một phần vào khe rồi bị giữ lại. Điều đó làm cho lượng máu đến tim bị chặn hoặc chậm hơn. Tình trạng này sẽ gây ra những bất thường về nhịp tim, các cơn đau thắt ngực và thậm chí làm người bệnh tử vong nhanh chóng.
- Bệnh mạch vành co thắt: dễ khởi phát khi người bệnh sử dụng chất kích thích, người bị căng thẳng kéo dài hoặc do tiếp xúc với không khí lạnh, hút thuốc,... làm một hoặc nhiều động mạch vành bị thu hẹp tạm thời.
3. Bệnh mạch vành rất nguy hiểm
Bệnh mạch vành nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Nhồi máu cơ tim: Đây là hiện tượng bong tách của các mảng xơ vữa khỏi thành mạch và tạo thành cục máu đông bịt kín mạch vành và ngăn chặn dòng máu lưu thông. Nếu không được cấp cứu kịp trong trường hợp này thì bệnh nhân tử vong rất nhanh.
- Rối loạn nhịp tim: Bệnh khiến cho tim không nhận đủ lượng oxy cần thiết nên hoạt động của hệ thống điện tim bị rối loạn làm nhịp tim nhanh quá hoặc chậm quá hoặc hỗn loạn. Một số trường hợp tính mạng người bệnh bị cũng sẽ bị đe dọa do rối loạn nhịp tim.
4. Phương pháp điều trị bệnh mạch vành
Điều trị bệnh mạch vành bằng phương pháp nào phụ thuộc vào mức độ, thực trạng nặng nhẹ của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị đều nhằm mục tiêu tăng cường cung cấp máu cho tim, làm giảm triệu chứng và kéo dài cuộc sống cho người bệnh. Điều trị cơ bản trong tất cả các giai đoạn là: thay đổi lối sống và dùng thuốc; Điều trị can thiệp: nong, đặt stent mạch vành và mổ bắc cầu mạch vành.
Thay đổi lối sống: Người bệnh ngừng ngay hút thuốc lá tập thể dục đều đặn hàng ngày; giảm cân nếu béo phì; Nên ăn chế độ ăn tốt cho tim mạch, giảm rượu bia…
Điều trị bằng thuốc: Cần uống thuốc đều đặn và lâu dài theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trong đó thuốc chống kết tập tiểu cầu phải uống suốt đời, đặc biệt khi ở người đã có nhồi máu cơ tim, có đặt stent hay mổ bắc cầu mạch vành.
Thuốc chống kết tập tiểu cầu: aspirin, clopidogrel, ticagrelor, prasugrel; Thuốc hạ mỡ máu, giảm xơ vữa động mạch: nhóm statin (atorvastatin, pravastatin,..); Cần điều trị các bệnh lý đi kèm như cao huyết áp, đái tháo đường…; Thuốc chống đau thắt ngực: chẹn beta, chẹn kênh calci, nitrate, nicorandil , trimetazidine,…
Vận động mỗi ngày để phòng bệnh mạch vành.
Can thiệp động mạch vành:
- Đặt stent: Stent động mạch vành là những khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào lòng mạch vành để mở rộng lòng mạch bị hẹp và giữ nó không hẹp trở lại.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Dùng một đoạn động hoặc tĩnh mạch làm cầu nối bắc qua vị trí mạch vành tổn thương, nối phía sau đoạn hẹp sẽ giúp máu được lưu thông và cung cấp cho vùng cơ tim bị thiếu máu.
Sau khi được can thiệp đặt stent hoặc mổ bắc cầu… người bệnh cần uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, thay đổi lối sống để tránh bị tái hẹp, tắc trong stent hay cầu nối mạch vành.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42