Bé gái một tuổi đầu to, úng nước vì dị tật bẩm sinh ở não
Nhìn con vật vã với chiếc đầu to gần bằng cơ thể, chị Ánh lại trào nước mắt tự trách mình vì suốt 10 tháng đầu đời, đã cho con uống thuốc nam khiến bệnh tình tăng nặng.
Đầu tóc rối bù, gương mặt xanh xao, mệt mỏi sau một đêm dài không ngủ, người phụ nữ nắm chặt tay đứa con nhỏ đang cắm vô số ống truyền. Bé Lê Vân Nhi (12 tháng tuổi) đang thiu thiu ngủ.
Căn bệnh quái ác khiến bé không thể khép chặt đôi mắt. Em nằm trong vòng tay mẹ, chiếc đầu to quá khổ, nặng nề ngửa ra sau. Chốc chốc, em giật mình, khóc nấc dù chỉ nghe một tiếng động nhỏ.
Gần một năm nay, chưa ngày nào chị Nguyễn Thị Hồng Ánh (28 tuổi, ngụ Bình Dương) thôi trách bản thân mình vì không nhận biết sớm căn bệnh của con.
Bé Lê Vân Nhi ngủ trong vòng tay mẹ, một tiếng động nhỏ cũng khiến em giật mình, òa khóc. Ảnh: BH.
Khi mang thai, đi siêu âm và được bác sĩ thông báo con bình thường. Tuy nhiên, đến tháng thứ 6 thai kỳ, chị bàng hoàng nghe tin báo con mắc dị tật bẩm sinh phức tạp ở não. Vì thai đã lớn và thương con, anh chị quyết định giữ lại đứa bé và hy vọng phép màu sẽ đến, con sinh ra sẽ khỏe mạnh.Đầu năm 2018, chị Ánh kết hôn với anh Lê Văn Nam (30 tuổi). Thấy cuộc sống ở quê khó khăn, anh chị quyết định vào Bình Dương lập nghiệp. Thời gian đầu, anh Nam lái xe bốc hàng hóa, chị Ánh làm công nhân. Dù thu nhập không nhiều, hai vợ chồng vẫn cố gắng tích góp để chuẩn bị cho đứa con đầu lòng.
Cuối năm 2018, chị Ánh sinh một bé gái kháu khỉnh. Người mẹ trẻ khóc nấc vì hạnh phúc khi thấy con sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, càng lớn, đầu của bé Vân Nhi càng to lên bất thường. Điều tồi tệ nhất cũng đến, bác sĩ kết luận bé bị dị tật não úng thủy, cần sớm nhập viện.
“Đây có lẽ là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi. Từ khi con được hai tháng tuổi, tôi chở bé đi châm cứu và uống thuốc nam. Càng uống, đầu con ngày càng to, hai mắt càng nhắm nghiền, không thể mở. Giá như tôi đưa con đi nhập viện sớm, có lẽ con sẽ không phải chịu đau đớn như bây giờ”, chị Ánh nghẹn ngào.
Bác sĩ Đặng Ngọc Dũng, khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết bé Vân Nhi sau khi sinh một tháng đã có chẩn đoán bệnh đầu nước. Tuy nhiên, khi người nhà đưa bé nhập viện sau thời gian dài điều trị thuốc nam, phần đầu đã to lên rất nhiều. Hiện, bé được phẫu thuật đặt ống dẫn nước từ đầu xuống bụng.
“Phẫu thuật này chỉ có thể giúp đầu bé không to thêm, nhưng không thể trở lại hình dáng như ban đầu. Sau phẫu thuật đặt ống, bé phải được theo dõi thêm các biến chứng có thể xảy ra như nhiễm trùng, tắc nghẽn ống. Hiện, sức khỏe bệnh nhi sau phẫu thuật đã ổn định. Tuy nhiên, nhận thức và trí não trong tương lai của bé có khả năng không phát triển bình thường do não bị chèn ép”, bác sĩ Dũng nói.
Nhìn người mẹ trẻ cố ngăn dòng nước mắt, cố gồng hai tay nâng đầu con dậy, vỗ về những lúc bé quằn quại, quấy khóc vang động cả khoa Hồi sức cấp cứu, ai chứng kiến cũng không thể cầm lòng.Từ khi con bệnh, chị Ánh nghỉ làm. Nguồn thu hàng tháng của gia đình chỉ trông vào số tiền lương ít ỏi của chồng. Tuy nhiên, gần đây, anh Nam phải thường xuyên xin nghỉ làm để phụ chị Ánh chăm sóc con nhỏ, kinh tế gia đình gần như kiệt quệ, trong khi chi phí điều trị cho bé Nhi ngày càng lớn.
Cuộc chiến đi tìm lại sự bình thường của con vẫn còn kéo dài nhưng gánh nặng kinh tế gần như khiến anh Nam, chị Ánh sức cùng lực kiệt.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42