Ai dễ mắc viêm phổi, cần làm gì để chóng hồi phục?
Thời tiết nắng mưa thất thường nên nhiều người bị viêm phổi nhất là trẻ nhỏ và người già. Cần làm gì để nhanh chóng hồi phục nếu mắc bệnh là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Ai dễ mắc bệnh viêm phổi?
Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng tại nhu mô phổi do các căn nguyên vi khuẩn, virus, nấm gây nên. Viêm phổi có thể nhẹ hoặc nặng đến mức gây suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn và tử vong.
Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới, chiếm 14% tổng số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, trong đó có đến 20-45% ca viêm phổi gây ra là do phế cầu khuẩn. Ước tính mỗi năm, một trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có thể bị nhiễm khuẩn đường hô hấp từ 5-8 lần trong đó có viêm phổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm có khoảng 150 triệu đợt viêm phổi xảy ra ở trẻ em các nước đang phát triển, với khoảng 11 triệu trẻ nhập viện.
Câu hỏi đặt ra, ai là đối tượng dễ nguy cơ viêm phổi, trên thực tế bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị viêm phổi, trong đó trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai,… là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nên có tỷ lệ lây nhiễm viêm phổi rất cao, biến chứng nặng nề, điều trị kéo dài, với tỷ lệ tử vong cao.
Ước tính mỗi năm, một trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có thể bị nhiễm khuẩn đường hô hấp từ 5-8 lần trong đó có viêm phổi.
Dưới đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ mắc viêm phổi
1. Trẻ em dưới 5 tuổi dễ mắc viêm phổi
Lý do trẻ nhỏ dưới 5 tuổi dễ mắc viêm phổi là do hệ hô hấp và hệ miễn dịch còn non nớt, chưa hoàn thiện nên có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. Theo thống kê của WHO, viêm phổi là lý do khiến nhiều trẻ trên thế giới tử vong, trong đó có đến 22% là trẻ từ 1-5 tuổi.
2. Người cao tuổi cũng dễ mắc viêm phổi
Tương tự, người cao tuổi, người lớn tuổi cũng dễ mắc viêm phổi và tử vong liên quan đến căn bệnh này. Với đặc thù tuổi tác, bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh COPD, hen suyễn, đái tháo đường, tim mạch,…) là các yếu tố nguy cơ đặc thù thúc đẩy chức năng phổi giảm theo. Chính khả năng thích nghi kém và sự tác động của nhiều có yếu tố môi trường có hại (nghiện thuốc lá, thuốc lào, bia rượu)… khiến tình trạng viêm phổi ở người cao tuổi dễ xảy ra.
Người lớn tuổi mắc viêm phổi nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời rất dễ gặp biến chứng nặng nề, điển hình là suy hô hấp, thở máy, chạy ECMO và tử vong nhanh chóng.
3. Phụ nữ mang thai cũng dễ mắc viêm phổi
Mặc dù không phải do tuổi tác nhưng ở thai kỳ thì sức khỏe, hệ miễn dịch của phụ nữ mang thai suy yếu hơn điều này dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn, virus, nấm gây viêm phổi hơn so với người bình thường.
Thông thường, viêm phổi có thể điều trị nội khoa và có thể theo dõi tại nhà và thường khỏi sau 2-3 tuần. Nhưng với phụ nữ mang thai nếu mắc viêm phổi có thể diễn tiến bất thường, không chỉ làm suy giảm sức khỏe của người mẹ mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi làm cho thai nhi thiếu oxy hoặc dẫn đến sảy thai, đẻ non.
Ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các ghi nhận cho thấy dường như phụ nữ mang thai nếu mắc COVID-19 dễ bị nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, cũng có nguy cơ sinh non cao hơn nếu nhiễm COVID-19.
Người bệnh viêm phổi cần uống nhiều nước (2 -3 lít/ ngày) để giúp đờm trong họng được loãng hơn và sẽ dễ dàng hơn khi khạc đờm.
4. Các đối tượng khác dễ mắc viêm phổi
Ngoài những đối tượng trên những người đang phải điều trị tại bệnh viện, người mắc bệnh mạn tính như hen suyễn, COPD, tim mạch, người có hệ miễn dịch suy yếu như: nhiễm HIV, sử dụng corticoid kéo dài, hóa trị ung thư; Người nghiện thuốc lá, thuốc lào, người làm việc, sinh sống ở môi trường bị ô nhiễm, khói bụi,… dễ mắc bệnh viêm phổi.
Khi bị viêm phổi cần làm gì để mau chóng hồi phục?
Khi bị viêm phổi cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để không làm bệnh nặng thêm. Tuyệt đối không tự điều trị bệnh tại nhà. Cần làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về chế độ thuốc men và nghỉ ngơi.
- Lưu ý với người bệnh viêm phổi là cần nghỉ ngơi, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, ăn cháo, uống sữa, uống nước trái cây.
- Uống nhiều nước (2 -3 lít/ ngày) để giúp đờm trong họng được loãng hơn và sẽ dễ dàng hơn khi khạc đờm.
- Cần thường xuyên rửa tay xà phòng sau khi sờ vào mũi miệng, trước khi ăn, sau khi ho hắt hơi. Để hạn chế lan truyền tác nhân gây bệnh cho mọi người xung quanh người bệnh, nếu ho, hắt hơi cần che khăn giấy hoặc vào mặt trong cánh tay, ống tay áo. Khi ho nên để tư thế ngồi hơi cúi về phía trước, vỗ rung, hít thở sâu, ho mạnh.
- Làm ẩm và nóng không khí hít vào (đeo khẩu trang, hít vào bằng mũi thở ra qua môi khép kín).
- Sau khi hết sốt người bệnh cần tăng hoạt động thể lực một cách từ từ.Tập thở sâu và tập ho có hiệu quả để làm sạch đường thở và giãn nở phổi.
- Không hút thuốc lá vì thuốc lá hủy hoại hoạt động lông mao của các tế bào lông chuyển, sự hoạt động này có ý nghĩa hàng đầu trong việc làm sạch không khí thở, hút thuốc lá làm kích thích tế bào tiết nhầy của phế quản và ức chế chức năng đại thực bào của phế nang.
Ngoài ra, cần tới cơ sở y tế kiểm tra X quang phổi sau 4 tuần kể từ khi ra viện hay theo lịch hẹn bác sĩ.
Để phòng ngừa viêm phổi bạn cần có một lối sống lành mạnh, tập luyện nâng cao thể lực, không hút thuốc lá, tránh xa rượu bia. Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có mắc các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, suy tim, tiểu đường… cần theo dõi và kiểm soát tốt các bệnh kể trên.
Ngoài ra một biện pháp phòng ngừa viêm phổi hiệu quả là tiêm vaccine phòng phế cầu và vaccine phòng cúm theo khuyến cáo của bác sĩ.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42