Bệnh thận giai đoạn 2 có nguy hiểm không?
Bệnh thận giai đoạn 2 gây mất chức năng thận nhẹ, thận vẫn hoạt động đúng chức năng và bệnh nhân vẫn có thể kiểm soát được triệu chứng.
Bệnh thận mạn tính (CKD) là tình trạng thận bị tổn thương và không thể hoạt động bình thường. Nguyên nhân phổ biến nhất của CKD là bệnh tiểu đường và huyết áp cao, ngoài ra còn có nhiễm trùng, rối loạn di truyền và ngộ độc kim loại nặng.
Có 5 giai đoạn của bệnh thận, từ CKD nhẹ (giai đoạn 1) đến CKD giai đoạn cuối, suy thận (giai đoạn 5). Ở người mắc bệnh thận giai đoạn 2, tốc độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) khoảng 60 - 89, xuất hiện protein trong nước tiểu hoặc tổn thương thận nhẹ.
Người bệnh thận giai đoạn 2, thận bị tổn thương nhẹ, xuất hiện protein và creatinin trong nước tiểu. Ảnh: Pinterest
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh thận giai đoạn đầu có thể không có bất kỳ triệu chứng cụ thể. Dù bị tổn thương nhẹ, thận vẫn hoạt động đúng chức năng. Đây là lý do tại sao chỉ có khoảng 10% những người bị bệnh thận mạn tính ở giai đoạn này biết mình bị bệnh.
Bằng các xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sĩ có thể kiểm tra protein trong nước tiểu (albumin niệu), creatinin trong máu và nước tiểu, và chỉ số eGFR để nhận định giai đoạn bệnh thận cấp độ 2. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy thận đang hoạt động không đúng chức năng. Khi bệnh tiến triển, thận giảm dần chức năng, các chất thải tích tụ và người bệnh bắt đầu nhận thấy rõ rệt các triệu chứng. Xét nghiệm hình ảnh như siêu âm cũng giúp đánh giá cụ thể hơn về mức độ tổn thương ở thận.
Cách điều trị
Bệnh thận không thể chữa khỏi. Các phương pháp điều trị chủ yếu kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa tiến triển bệnh, giảm nguy cơ suy thận, tăng cường sức khỏe..., bao gồm:
Chế độ ăn: Đây là yếu tố quan trọng vừa giúp kiểm soát huyết áp và đường huyết, trì hoãn và ngăn chặn các vấn đề sức khỏe liên quan. Dù ở giai đoạn 2, bệnh thận có thể không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng không phải là quá sớm để bệnh nhân chủ động điều chỉnh chế độ ăn uống. Một số lời khuyên trong chế độ ăn bao gồm: ưu tiên protein nạc, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, hạn chế muối và đường, uống đủ nước, bổ sung chất béo lành mạnh như dầu ôliu, omega 3 và các loại hạt.
Lối sống: Bỏ hút thuốc và rượu, tăng cường hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần (tham khảo thêm ý kiến bác sĩ). Những cách này có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giúp duy trì cân nặng hợp lý.
Dùng thuốc: Thuốc có thể chưa cần thiết trong giai đoạn này nhưng tùy vào tình trạng của người bệnh, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ thuốc nào.
Nguy cơ tử vong và cơ hội sống
Tuổi thọ của những người bị bệnh thận mạn tính có thể khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, thể trạng sức khỏe, hành vi lối sống. Tuy nhiên, thống kê chung cho thấy, người bệnh thận giai đoạn 2 (có eGFR từ 60 trở lên) có thể sống thêm từ 3 đến 44 năm, thậm chí cao hơn.
Vì bệnh thận nhẹ không có nhiều triệu chứng điển hình như giai đoạn nặng nên người bệnh có thể không biết mình mắc bệnh trừ khi đi khám sức khỏe. Phát hiện bệnh sớm, các bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra kế hoạch điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh và trì hoãn suy thận càng lâu càng tốt, giữ cho người bệnh sống lâu hơn.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02