Vỡ túi ngực: diễn tiến âm thầm, biến chứng đáng ngại
Những yếu tố đó làm cho bộ ngực đẹp ngày nào trở nên chảy sệ, nhão, nhăn nheo và nhỏ đi. Nhiều chị em đã chọn cách nâng ngực bằng túi độn để có được một bộ ngực đầy đặn hơn. Nhưng cũng có không ít ca vỡ túi ngực xảy ra mà chị em không hay biết.
Những ca vỡ túi ngực từ thực tế
Một trường hợp sau khi đặt túi ngực silicon 10 năm bị vỡ vùng vú biến dạng, mất cân đối, ấn đau, suýt nhiễm trùng. Trong 1 tháng gần đây, bệnh nhân có xuất hiện căng tức kèm nóng vùng ngực trái nên đi bệnh viện khám. Tại bệnh viện, qua thăm khám, bệnh nhân có biểu hiện toàn thân sốt nhẹ, vùng vú trái biến dạng so với bên phải, thể tích vú tăng, mất cân đối, ấn đau... Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm và phát hiện túi ngực trái biến dạng. Sau khi chụp MRI phát hiện hình ảnh túi ngực trái của bệnh nhân bị vỡ, túi ngực gián đoạn, tách thành 3 khoang trong bao xơ, với hình ảnh silicon cả 2 mặt nếp gấp, bao xơ khoang đặt túi dày hơn bên phải. Bệnh nhân được nhận định đây là trường hợp vỡ túi ngực sau đặt túi gel silicon.
Ca phẫu thuật biến chứng vỡ túi ngực.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nạo hút sạch gel silicon, lấy túi bị vỡ, đồng thời cắt bỏ bao xơ. Sau đó súc rửa nhiều lần đến khi sạch, đặt dẫn lưu và đóng da. Bệnh nhân ổn định dần và nhanh chóng được xuất viện.
Trường hợp khác độn túi ngực đã 5 năm, người bệnh bị vỡ túi ngực mà không hề hay biết, chỉ thấy bất an khi nghe thông tin loại túi ngực này bị thu hồi vì nguy cơ gây biến chứng, thì chị mới đi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ thăm khám kỹ nhận thấy bề mặt túi ngực nhấp nhô không đều kết hợp. Hỏi kỹ tiền sử cho thấy loại túi ngực mà bệnh nhân sử dụng là túi silicon nhám to giọt nước. Mới đây, loại túi này đã bị thu hồi ở châu Âu và Mỹ vì có thể gây phản ứng bao xơ hoặc sinh ra tế bào lạ quanh vỏ túi.
Nghi ngờ có bất thường, các bác sĩ đã chỉ định chụp cộng hưởng từ. Kết quả chụp MRI cho thấy hình ảnh túi ngực đã vỡ từ trước mà người bệnh không biết. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật ngay lập tức. Quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân rất dính và khó khăn vì vỏ túi nhám to nên đã bám chắc và dính chặt vào tổ chức xung quanh. Các bác sĩ mất gần 2 giờ đồng hồ để phẫu tích lấy hết phần bao xơ dày và làm sạch hết tổ chức silicon lỏng đã tràn ra ngoài. Rất may mắn bệnh nhân được phát hiện biến chứng vỡ túi và phẫu thuật kịp thời để lấy bỏ silicon vỡ khi nó chưa kịp phát tán đi xa.
Sau nâng ngực chị em đối diện với nhiều nguy cơ.
Độ bền và khả năng chịu lực của túi nâng ngực
Hiện nay, túi ngực gel được dùng phổ biến nhất được làm từ silicon và saline - túi nước biển. Ngoài ra còn có thể thêm một thành phần mới được gọi là structured Ideal implants sẽ khiến ngực trông tự nhiên hơn.
Nâng ngực bằng túi độn silicon được làm từ một vỏ silicon gồm nhiều lớp và được làm đầy bằng chất silicon. Theo các chuyên gia, túi ngực nhân tạo này chịu được ngoại lực rất lớn, thậm chí không bị nổ ngay cả khi ôtô 4 bánh chèn qua. Vỏ của túi nâng ngực là chất liệu tổng hợp dẻo, dai, bên trong chứa silicon dạng gel đặc, rất bền và hầu như không bị ảnh hưởng bởi áp suất hoặc những tác động thông thường.
Trong trường hợp không có lỗi kỹ thuật thì túi chỉ bị vỡ khi có áp lực mạnh sau khi bị vật sắc nhọn đâm thủng trong quá trình thao tác kỹ thuật, tai nạn hoặc do thời gian mài mòn ở những chỗ gấp của vỏ túi.
Thêm vào đó, bên trong túi ngực là silicon nên kể cả trong trường hợp túi ngực bị vỡ, gel cũng sẽ từ từ rò ra chứ không có hiện tượng nổ tung hay bị xé toạc ra như cách hiểu thông thường của nhiều người. Túi ngực bị vỡ sẽ nứt, rách và gel chảy từ từ qua nhiều tháng, không ồ ạt hay phát ra tiếng. Gel cũng chảy ra rất chậm và ít, nằm ở khoang bóc tách, không gây chảy máu.
Lấy túi ngực bị vỡ.
Túi độn ngực có thể bị rách khi nào?
Túi nâng ngực chỉ có thể vỡ do một số nguyên nhân như: túi ngực có thể bị rách nếu bị vật sắc nhọn đâm thủng: do tai nạn, tiêm chọc vào vùng ngực, hoặc khi sinh thiết mô tuyến vú vô tình đâm thủng túi ngực...
Trường hợp túi độn ngực để lâu trong ngực, bị co bao xơ của cơ thể bóp và làm biến dạng, tạo ra những nếp gấp, các nếp gấp bị hằn sâu theo thời gian và có thể bị rách, gây thoát silicon ra ngoài. Đây được gọi là hội chứng tiết dịch khoang muộn.
Do thao tác khi phẫu thuật độn túi ngực chưa phù hợp. Động tác nhét túi ngực thô bạo, kỹ thuật phẫu thuật bóc bao túi không đúng, thao tác dụng cụ sắc nhọn gây tổn thương bao túi trong mổ cũng có thể là nguyên nhân gây vỡ túi ngực.
Có thể cảm nhận được túi nâng ngực bị vỡ, hỏng?
Túi ngực trong điều kiện bình thường thì bền lâu dài. Tuy nhiên sau phẫu thuật nâng ngực, theo tuổi tác cùng với sự lão hóa chung của cơ thể, ngực sẽ lại bắt đầu sệ xuống do tác dụng của trọng lực tạo nên tình trạng sa trễ, khuôn ngực không còn được đầy đặn và săn chắc như ban đầu, đây là một trong những lý do phổ biến khiến những phụ nữ đã nâng ngực phải đi sửa lại. FDA thống kê rằng, cứ 5 phụ nữ nâng ngực thì sẽ có 1 người sẽ phải bỏ túi nâng ngực trong vòng 10 năm và tỷ lệ loại bỏ túi ngực sẽ cao hơn ở những phụ nữ nâng ngực sau khi bị ung thư vú.
Nếu túi nâng ngực bằng muối biển bị hỏng, chị em sẽ cảm nhận được ngay lập tức vì ngực thường sẽ sệ xuống. Nhưng với túi nâng ngực bằng silicon thì khó để nhận ra ngay được tình trạng này, do túi nâng ngực bằng silicon có cấu trúc rất ổn định. Vì vậy, nếu túi nâng ngực bị hỏng, sẽ rất khó để nhận ra.
Vỡ túi ngực gây ảnh hưởng chủ yếu tại chỗ như: biến dạng ngực, co cứng túi, viêm nhiễm tại chỗ... chứ không gây ung thư. Khi rơi vào tình trạng này, người nâng ngực cần đến bác sĩ để phẫu thuật lấy túi ngực và bao xơ ra. Nếu chỉ biến dạng hay co cứng túi, bác sĩ sẽ thay thế ngay bằng loại túi ngực khác tốt hơn. Nếu viêm nhiễm, cần phải dùng thuốc điều trị, chờ hết viêm mới có thể đặt lại túi ngực khác.
Cần đi khám định kỳ sau khi đặt túi ngực
Theo thống kê của FDA, chỉ có 30% các trường hợp vỡ túi ngực được phát hiện trên lâm sàng. Đối với loại túi ngực nước biển, dễ dàng chẩn đoán vỡ túi ngực hơn vì thay đổi về mặt kích thước rõ ràng. Còn túi ngực gel silicon, tiến triển lâm sàng thường thầm lặng, vỡ túi ngực thường chỉ phát hiện qua siêu âm vú và chụp MRI. Vì vậy, bệnh nhân không được chẩn đoán kịp thời sẽ dễ gây biến chứng. Phụ nữ dùng túi nâng ngực silicon nên thăm khám định kỳ để kiểm tra. Nếu có những dấu hiệu bất thường như thay đổi hình dáng ngực, độ mềm mại, hoặc tăng cảm giác đau, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm hoặc chụp MRI để phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Với trường hợp đặt túi nhám, khuyến cáo gần đây của FDA là cần lưu ý đến những biến chứng ung thư lympho ác tính tế bào khổng lồ. Do đó, việc tái khám định kỳ khi đặt túi ngực là rất cần thiết, đặc biệt là sau 5 năm.
Nếu không có dấu hiệu bất thường, người bệnh chỉ cần siêu âm, chụp chiếu kiểm tra hàng năm. Nếu như có xuất hiện các triệu chứng cứng đau hay u cục thì nên đến gặp các chuyên gia về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại các trung tâm lớn có phương tiện chụp chiếu cộng hưởng từ, cũng như có đội ngũ xét nghiệm về giải phẫu bệnh tế bào chuyên sâu để được điều trị theo dõi và chăm sóc các biến chứng của loại túi này một cách lâu dài.
Thanh Linh
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02