Theo thống kê của Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần trung tâm tiếp nhận từ 100 - 130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với các mức độ nặng khác nhau.
Nhiều ca bệnh nặng
Theo các bác sĩ tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi T.Ư, đa số các ca nhập viện đều biến chứng sang viêm phổi, trong đó có trẻ chỉ vài tháng đến 1 - 2 tuổi mắc cúm biến chứng rất nặng.
Qua lời kể của gia đình bệnh nhi M.K., 6 tuổi, Hà Nội, sáng ngày 26/11, M.K. vẫn khỏe mạnh, đi học bình thường nhưng buổi trưa đi học về bỗng nhiên lên cơn sốt cao 39 - 40 độ. Gia đình đã cho K. uống thuốc hạ sốt nhưng K. đáp ứng kém, chỉ giảm sốt một thời gian ngắn sau đó tiếp tục sốt lại.
Sau một ngày, gia đình đưa con vào BV Nhi T.Ư khám, các bác sĩ nhận thấy tình trạng trẻ sốt cao, khó thở, chẩn đoán ban đầu là viêm phế quản nhưng sau khi có kết quả xét nghiệm máu cho thấy trẻ dương tính với vi rus cúm A.
Một bệnh nhi khác là bé D., Hà Nội cũng được gia đình đưa đến BV sau 2 ngày sốt cao 40 độ. Mẹ bệnh nhi chia sẻ, khi cho cháu uống hạ sốt thì cắt được cơn sốt nhưng lại chuyển sang ho, khò khè, khó thở.
Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán trẻ viêm đường hô hấp dưới song cũng giống bệnh nhi M. K., sau khi có kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ kết luận D. đã nhiễm cúm A. Liên quan đến tình hình dịch vừa qua ngày 11/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum đã có báo cáo về trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Bệnh nhân là N.T.T. (nữ, 37 tuổi, ni cô ở chùa Pháp Hoa, xã Hòa Bình, TP Kon Tum).
Tiêm vaccine phòng bệnh
TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho.
Về diễn biến bệnh, theo TS Lâm, thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Do vậy theo TS Lâm, trong trường hợp trẻ bị mắc cúm, cha mẹ cần lưu ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp cho con; bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu; tắm cho con bằng nước ấm trong phòng kín, tránh việc nhiễm lạnh. Ngoài ra, trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.
“Theo chương trình giám sát cúm thường xuyên, các chủng cúm phổ biến ở Việt Nam vẫn là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Khi bị bệnh cúm, trẻ có thể tự khỏi sau 3- 5 ngày nên có thể điều trị tại nhà nhưng cần được chăm sóc cẩn thận, tránh nhiễm vi khuẩn khác.
Chỉ khi có triệu chứng nặng, như viêm phổi, suy hô hấp hoặc bị cúm trên nền bệnh khác, ví dụ hen phế quản mới phải nhập viện điều trị. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc kháng virus Tamiflu khi trẻ mắc cúm mùa thông thường" - TS Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân nói chung, dịch cúm nói riêng, ông Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, trong đó có vaccine phòng cúm.
Cũng theo ông Bắc, để phòng tránh dịch lây lan, cần tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm... Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm, cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.