TP.HCM: Bệnh hô hấp tăng vọt, nhiều trẻ phải thở máy
Những ngày gần đây, tại các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM, số bệnh nhi nhập viện vì mắc các bệnh lý về hô hấp tăng cao, trong đó có nhiều ca bệnh nặng phải thở oxy, thở máy.
Các bác sĩ dự báo số lượng này tiếp tục tăng nhanh khi đỉnh của bệnh hô hấp thường rơi vào tháng 9, 10 hằng năm.
Nhiều bé viêm phế quản, viêm phổi
Ngày 16-9, tại hai phòng cấp cứu của khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), hàng chục bệnh nhi từ sơ sinh đến 2 tuổi phải thở oxy, thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi), thậm chí thở máy vì mắc các bệnh lý hô hấp hoặc các biến chứng về hô hấp do bệnh nền gây ra.
Nằm viện nhiều ngày nhưng bé T.H.P. (nam, 14 tháng tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) vẫn còn thở oxy vì viêm phổi tái đi tái lại. Trước đó, bé P. trải qua 2 lần thở máy khi rơi vào tình trạng nguy kịch: có dấu hiệu ngưng thở, người tím tái.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ba phòng cấp cứu của khoa hô hấp cũng kín bệnh nhi mắc các bệnh lý về hô hấp nặng nằm điều trị. Trong phòng phun khí dung, nhiều phụ huynh vừa bế trẻ vừa úp mặt nạ khí dung vào vùng mũi và họng trẻ để làm loãng đờm.
Bé L.V.T.N. (7 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có triệu chứng sốt, ho, thở khò khè, người lừ đừ. Gia đình đưa bé N. đi khám tại phòng khám địa phương với chẩn đoán viêm phổi, được kê thuốc về uống. Tuy nhiên, bé N. vẫn khó thở, có thêm biểu hiện lõm ngực nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận N. bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, phải thở NCPAP. Sau nhiều ngày điều trị tích cực, hiện bé N. thở êm hơn.
Tăng nhanh nhưng chưa dừng lại
Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) - cho biết hiện khoa có gần 80 trẻ mắc bệnh hô hấp nằm điều trị, tăng gấp đôi so với 2 tháng trước. Trong đó có 10 ca bệnh nặng (chủ yếu trẻ sinh non, có dị tật bẩm sinh đường thở, suy giảm miễn dịch...) phải thở oxy, thở NCPAP, thở máy.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TS Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp - cho hay hiện khoa có 157 trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị nội trú, tăng gấp đôi so với 3 tháng trước (khoảng 75 trẻ). Riêng 3 phòng cấp cứu của khoa - nơi điều trị bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp nặng - tất cả giường bệnh đều kín trẻ nằm điều trị, phải thở oxy, thở máy.
So với cùng kỳ năm ngoái, số trẻ nhập viện do mắc các bệnh lý về hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng Thành phố giảm nhưng lại tăng nhanh trong vài tháng qua, đặc biệt có nhiều ca bệnh nặng phải điều trị trong thời gian dài.
Các bác sĩ giải thích nguyên nhân chính là do ảnh hưởng dịch COVID-19, người dân nâng cao ý thức các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, hạn chế tiếp xúc nơi đông người... Tuy nhiên, thời tiết hiện nay có độ ẩm không khí cao cùng với mùa tựu trường là các điều kiện thuận lợi làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ trong những ngày qua. Thông thường bệnh hô hấp bắt đầu tăng từ tháng 8, đỉnh điểm rơi vào tháng 9, 10 và đến tháng 11 sẽ giảm dần.
Dễ "tấn công" trẻ yếu, phòng bệnh sao?
Bác sĩ Anh Tuấn cho biết khi trẻ mắc các bệnh hô hấp, đa số sẽ hết bệnh trong vòng 10-14 ngày. Tuy nhiên nếu trẻ có biểu hiện sốt cao kéo dài trên 2 ngày, bỏ bú, nôn, ngủ li bì, khó thở, thở lõm ngực... cần nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu. Với những dấu hiệu này, trẻ không những mắc các bệnh lý hô hấp nặng mà có thể có các bệnh nguy hiểm khác, đặc biệt đang trong mùa dịch COVID-19.
Bác sĩ Hồng Nhiên cho hay các bệnh lý về hô hấp nhanh chuyển biến nặng và dễ tái đi tái lại đối với trẻ có sức đề kháng yếu, sinh non, suy dinh dưỡng, có bệnh lý nền, mắc dị tật bẩm sinh đường thở, suy giảm miễn dịch...
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần linh hoạt bảo vệ trẻ trước thay đổi xấu của thời tiết (khi trời lạnh, mưa cần tránh mưa, gió lùa, mặc ấm cho trẻ; khi trời nóng cần sử dụng các phương tiện giải nhiệt hợp lý như không để luồng gió quạt máy, máy lạnh thổi thẳng vào người trẻ).
Bên cạnh đó, người chăm sóc trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế nơi đông người, tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, cần chăm sóc và theo dõi sát sao, chỉ cho trẻ đi học lại khi điều trị hết bệnh.
Về biện pháp lâu dài cần đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ, nâng cao sức đề kháng bằng cách tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin, uống nhiều nước, tránh khói thuốc lá... Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để tăng cường hệ miễn dịch.
Quan tâm hàng đầu là bé thở ra sao
Một bệnh nhi phải thở máy tại phòng cấp cứu của khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
TS Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết sai lầm thường gặp là phụ huynh chú ý biểu hiện ho và tự mặc định ho nhiều là bệnh nặng, còn ho ít là bệnh nhẹ.
Ngoài ra, khi trẻ ho, phụ huynh có xu hướng cho trẻ mặc nhiều lớp áo, điều này vô hình trung không quan sát trẻ thở thế nào. Mà dấu hiệu quan trọng và then chốt phân biệt bệnh nặng hay nhẹ đó là dấu hiệu thở.
Nếu trẻ thở nhanh, lõm lồng ngực là dấu hiệu bệnh nặng, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời. "Mức độ nặng nhẹ của bệnh không phụ thuộc vào việc bé ho ít hay nhiều, mà việc cần quan tâm hàng đầu là xem bé thở ra sao" - bác sĩ Tuấn lưu ý.
XUÂN MAI
Link nguồn:
https://tuoitre.vn/benh-ho-hap-tang-vot-nhieu-tre-phai-tho-may-20200918084257929.htm
Theo tuoitre.vn
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02