Ông Michael Flor nhập viện ở thành phố Issaquah, bang Washington vào ngày 4.3 và nằm viện 62 ngày, thậm chí có lúc bệnh nhân nguy kịch, kề cận cái chết đến mức nhân viên y tế phải gọi điện thoại cho vợ con của ông để họ có thể nói lời vĩnh biệt.
Tuy nhiên, bệnh nhân Flor hồi phục và được xuất viện vào ngày 5.5 cùng hóa đơn viện phí dài 181 trang với tổng số tiền 1.122.501,04 USD, theo tờ The Seattle Times. “Khi mở hóa đơn ra xem, tôi bị sốc hoàn toàn”, ông Flor nói.
Hóa đơn bao gồm: phòng chăm sóc đặc biệt 9.736 USD/ngày; gần 409.000 USD chi phí chuyển đổi một phòng thành phòng vô trùng để điều trị cho ông Flor trong 42 ngày; 82.000 USD chi phí sử dụng máy thở trong 29 ngày; gần 100.000 USD trong 2 ngày khi các bác sĩ tiên lượng nguy cơ ông tử vong vì Covid-19.
May mắn là ông Flor không phải thanh toán viện phí vì ông có Medicare, một chương trình bảo hiểm của chính phủ dành cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua gói ngân sách hỗ trợ vực dậy nền kinh tế trong đại dịch, trong đó bao gồm 100 triệu USD hỗ trợ các công ty bảo hiểm tư nhân và bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Tuy nhiên, ở một đất nước với dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới, ông Flor nói ông cảm thấy "tội lỗi" khi biết rằng nhiều người nộp thuế sẽ phải gồng gánh hóa đơn viện phí của mình.
Đại dịch Covid-19: Hơn 7,7 triệu người nhiễm, Trung Quốc xuất hiện cụm dịch mới ở chợ Bắc Kinh |
“Tôi cảm thấy tội lỗi vì sống sót. Tại sao lại là tôi? Vì sao tôi xứng đáng với tất cả những điều này? Nhìn vào cái giá phải trả, tất cả chỉ làm tăng thêm cảm giác tội lỗi”, ông Flor chia sẻ.
Đến nay, Mỹ ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm, cao nhất thế giới, và hơn 110.000 trường hợp tử vong vì Covid-19.
Phúc Duy
Link nguồn:
Theo Thanhnien.vn