Quá tải do sốt xuất huyết, hành lang thành phòng bệnh viện
Hành lang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM bị biến thành phòng bệnh để kê thêm giường cho bệnh nhân sốt xuất huyết nằm.
Hành lang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM bị biến thành phòng bệnh để kê thêm giường cho bệnh nhân sốt xuất huyết nằm.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, cho biết trong ngày 29/10, bệnh viện có hơn 300 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú, chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân trong toàn bệnh viện.
"Trước tình trạng đó, các khoa và phòng của bệnh viện đã bố trí thêm nhiều giường để tiếp nhận bệnh nhân. Riêng Khoa nhiễm D phải thêm hơn 30 giường bệnh kê tại hành lang, vì phòng bệnh đã quá tải", bác sĩ Phong nói.
Nhiều khu vực hành lang bệnh viện đã trở thành phòng bệnh với các giường kê sát nhau.
Nhập viện từ tuần trước, bệnh nhân Trương Thành Nhân, 20 tuổi, đã ngưng sốt nhưng tiểu cầu xuống thấp, nổi xuất huyết dưới da. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết tại bệnh viện tỉnh. Sau 3 ngày, anh vẫn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, huyết áp và tiểu cầu giảm, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để theo dõi. Điều trị tại Khoa nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, anh Phạm Cao Phong 28 tuổi ở Đồng Nai đã nhập viện 5 ngày. Trước đó, anh sốt cao, mệt, đau đầu, lạnh run, xét nghiệm máu tiểu cầu giảm. Đây là lần đầu tiên anh mắc bệnh sốt xuất huyết.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM, số ca mắc sốt xuất huyện trên địa bàn chưa có dấu hiệu giảm. Chín tháng đầu năm có hơn 48.400 ca bệnh, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tuần có khoảng 1.800 ca mắc mới.
Riêng tháng 9, thành phố có 8.128 ca, tương đương số ca trong tháng 8. Có 9 trường hợp tử vong gồm 2 trẻ em và 7 người lớn, hầu hết do đến bệnh viện trễ sau một thời gian tự điều trị tại nhà hoặc kèm theo bệnh lý như béo phì, bệnh mạn tính.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, nhận định, sốt xuất huyết theo chu kỳ đỉnh dịch diễn ra vào tháng 10 và 11 hằng năm. Do đó các địa phương tiếp tục duy trì biện pháp phòng bệnh, tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, khống chế kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.Ở Hà Nội, Sở Y tế ghi nhận tình hình sốt xuất huyết đã chững lại, số ca bệnh giảm so với những tuần trước. Tuần cuối tháng 10 Hà Nội ghi nhận 770 ca mới, giảm 61 trường hợp so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay, thành phố có 8.416 bệnh nhân sốt xuất huyết trong khi năm ngoái khoảng 1.000 ca, chưa có trường hợp tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết thông thường ở các bệnh truyền nhiễm khác, khi hạ sốt người bệnh khỏe hơn. Tuy nhiên, với bệnh sốt xuất huyết, hạ sốt lại là thời điểm người bệnh dễ bị nặng nhất. Do đó, nhiều người chủ quan không đi khám khiến tình trạng bệnh nặng, việc điều trị gặp khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng.
Người có cơ địa đặc biệt, hoặc bị tiểu đường, huyết áp, thừa cân béo phì, khi sốt xuất huyết dễ diễn tiến nặng. Phụ nữ có thai mắc sốt xuất huyết dễ dẫn đến sinh non.
Khi có triệu chứng sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau sau hốc mắt hoặc có dấu hiệu xuất huyết, nên đến cơ sở y tế khám ngay và điều trị kịp thời.
Cẩm Anh - Lê Nga
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02