Nổi hạch sau tiêm vaccine COVID-19: Hiểu để tránh sinh thiết không cần thiết
Thời gian gần đây, nhiều người trong đó có nhiều bệnh nhân ung thư đặt câu hỏi về việc nổi hạch sau tiêm vaccine COVID-19, một số người băn khoăn về việc có cần sinh thiết không sau khi siêu âm thấy hạch nghi ngờ.
Ở một số bệnh nhân có phản ứng nổi hạch sau tiêm vaccine COVID -19 cho thấy, sau khoảng 6 tuần hạch trở về bình thường.
Ths. BS. Trịnh Thế Cường, Khoa Hoá trị liệu Bệnh viện E.
Nổi hạch sau tiêm vaccine COVID-19 có tỷ lệ cao hơn vaccine phòng bệnh khác
Nổi hạch sau tiêm vaccine là một triệu chứng ít phổ biến. Trước đây, nó đã được báo cáo ở người lớn sau tiêm khi một số vaccine phòng bệnh do virus gây ra như HPV 18 hay virus cúm H1N1.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), nổi hạch sau tiêm vaccine COVID-19 được quan sát thấy ở 0,3% người tiêm vaccine Pfizer-BioNTech và 1,1% người tiêm vaccine Moderna. Các bằng chứng cho thấy vaccine dựa trên mRNA có khả năng sinh miễn dịch cao hơn các loại vaccine tiêu chuẩn, do đó có thể thấy tỷ lệ nổi hạch của các loại vaccine này cao hơn.
Nổi hạch sau tiêm vaccine COVID-19 thường có các đặc điểm sau:
Nổi hạch bạch huyết sau tiêm vaccine COVID -19 Ảnh: Health Matters
Trên lâm sàng:
- Ví trí: Thường nổi hạch ở nách, thượng đòn, cổ cùng bên với vị trí tiêm.
- Thời gian: Theo báo cáo của CDC Hoa Kỳ, thời gian bắt đầu nổi hạch sau tiêm vaccine Modena và Pfizer-BioNTech là 2-4 ngày. Thời gian nổi hạch trung bình của vaccine Pfizer-BioNTech là 10 ngày, so với vaccine Moderna là 1-2 ngày.
Tuy nhiên, dữ liệu trong thử nghiệm không phù hợp với các dữ liệu thực tế lâm sàng được báo cáo gần đây. Một nghiên cứu trên 68 bệnh nhân nổi hạch do vaccine COVID-19, thời gian bắt đầu nổi hạch sau tiêm từ 1 ngày đến 4 tuần. Thời gian tồn tại hạch trung bình lần lượt là 12 ngày và 5 ngày sau liều tiêm thứ 1 và thứ 2.
- Tính chất hạch: Hạch thường mềm, di động, có thể đau.
Trên hình ảnh siêu âm:
Một nghiên cứu hình ảnh siêu âm của 24 bệnh nhân nổi hạch sau tiêm vaccine COVID-19, tổng cộng phát hiện 68 hạch, hạch nách 13 (54,2%) bệnh nhân, hạch thượng đòn 11 (45,2%) bệnh nhân.
Các đặc điểm siêu âm cho thấy:
- Kích thước: Kích thước trung bình hạch nách 1,6 ± 0,16cm, không có hạch nào > 3cm. Kích thước trung bình hạch thượng đòn 0,9 ± 0,19cm, không có hạch nào > 1,5cm.
- Số lượng hạch: 20 bệnh nhân (83,3%) có số hạch ≤ 3 hạch.
- Hình thái: Chủ yếu là hình bầu dục (75%), hình tròn 25%.
- Đặc điểm vỏ - rốn hạch: Kiểu vỏ - rốn phổ biến là vỏ bất đối xứng và còn dấu hiệu của rốn hạch (9, 37.5%), sau đó là mất rốn hạch (8, 33.3%) và vỏ đối xứng và còn rốn hạch (7, 29.2%).
- Tưới máu: Tín hiệu mạch cả trung tâm và ngoại vi (12,50%), chỉ trung tâm (11, 45,8%), chỉ có 1 trường hợp chỉ có tín hiệu tưới máu ngoại vi chiếm 4,2%.
- Kiểu đàn hồi mô tương tự mô xung quanh là trong 15 trường hợp (71.4%) và xu hướng cứng trong 9 trường hợp (28.6%).
- Không có sự khác biệt giữa đặc điểm siêu âm liên quan tới các loại vaccine khác nhau
- Qua theo dõi bằng siêu âm, đa số các hạch trở lại hình ảnh siêu âm hạch bình thường trong 60 ngày.
Như vậy, nổi hạch sau tiêm vaccine COVID-19 đều có thể có đặc điểm nghi ngờ hạch bất thường liên quan đến kích thước, hình dạng, cấu trúc vỏ - rốn hạch, tưới máu và hình ảnh đàn hồi của hạch bạch huyết. Vì vậy, người bệnh không nên quá lo lắng khi bác sĩ mô tả siêu âm hạch bất thường.
Một số khuyến nghị
- Nổi hạch sau khi tiêm vaccine COVID-19 có thể gây lo lắng cho nhiều người, thậm chí có thể gây nhầm lẫn cho các bác sĩ, vì chẩn đoán phân biệt cho nổi hạch nách hoặc hạch thượng đòn một bên rất rộng bao gồm viêm, nhiễm trùng và bệnh ác tính như hạch di căn hoặc ung thư hạch. Việc chẩn đoán hình ảnh nên được thực hiện trước khi tiêm chủng hoặc hoãn lại ít nhất 4 - 6 tuần sau khi tiêm chủng COVID-19 mũi 2 trừ khi bệnh nhân có chỉ định lâm sàng khẩn cấp.
- Khi cần thăm khám sau tiêm chủng, cơ sở y tế cần ghi chép lịch sử tiêm chủng như: loại vaccine, vị trí, thời gian tiêm.
- Hiểu được nổi hạch sau tiêm vaccine là hạch phản ứng để trấn an bệnh nhân, tránh sinh thiết không cần thiết. Nên theo dõi bằng siêu âm sau 4-6 tuần.
- Đối với bệnh nhân ung thư, nên tiêm vaccine ở bên đối diện với tổn thương, ví dụ ung thư vú phải nên tiêm vaccine vào bắp tay trái.
Hạch bạch huyết
Nổi hạch hay bệnh hạch bạch huyết (Lymphadenopathy ) là tình trạng bất thường về kích thước và mật độ của hạch. Nguyên nhân phổ biến nhất là do chấn thương hoặc nhiễm trùng các vùng lân cận. Trong số các bệnh nghiêm trong gây bệnh nổi hạch, điều mà bệnh nhân và bác sĩ quan tâm nhất là đó có phải hạch ác tính hay không. Tỷ lệ mắc bệnh ác tính của bệnh nhân đi khám do nổi hạch là 1,1%.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02