Những lưu ý với người bệnh thận giai đoạn cuối
Lọc máu hay ghép thận và thực hiện lối sống lành mạnh là cách người bệnh thận giai đoạn cuối cần làm nhằm kéo dài tuổi thọ.
Bệnh thận mạn tính thường tiến triển thành giai đoạn cuối sau 10 đến 20 năm kể từ lúc người bệnh được chẩn đoán. Bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD) là giai đoạn thứ năm của bệnh thận mạn tính, được đo bằng độ lọc cầu thận (GFR) của cơ thể.
Chức năng bình thường của thận suy giảm nhanh chóng là dấu hiệu sự khởi đầu của ESRD. Các triệu chứng nhận biết bao gồm: giảm số lần đi tiểu hay không có khả năng đi tiểu; mệt mỏi, nhức đầu; sụt cân không rõ nguyên nhân; buồn nôn và ói mửa; da khô và ngứa, thay đổi màu da; đau xương; dễ bị bầm tím; nhầm lẫn, khó tập trung... hay các vấn đề về giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và hội chứng chân không nghỉ (RLS).
ESRD thường do bệnh tiểu đường và tăng huyết áp (huyết áp cao). Nếu người bệnh bị tiểu đường, cơ thể không thể phân hủy glucose (đường) một cách chính xác, dẫn đến lượng đường trong máu ở mức cao, làm hỏng chức năng thận. Nếu người bệnh bị huyết áp cao, áp lực gia tăng lên các mạch nhỏ trong thận khiến chúng bị tổn thương, ngăn mạch máu thực hiện nhiệm vụ lọc máu. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp cần kiểm soát tình trạng của mình để không làm bệnh trở nên tồi tệ thêm.
Các nguyên nhân khác gây ra ESRD bao gồm: tắc nghẽn lâu dài đường tiết niệu do sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt hoặc một số loại ung thư; viêm cầu thận; trào ngược bàng quang niệu quản gây nước tiểu chảy vào thận; dị tật bẩm sinh... hay một số tình trạng tự miễn dịch như lupus.
Người bệnh thận giai đoạn cuối vẫn có thể sống thêm nhiều năm nếu được chữa trị kịp thời, đúng cách. Ảnh: Freepik
Với những người bị bệnh thận giai đoạn cuối, phương pháp điều trị thường là lọc máu hoặc ghép thận. Ngoài ra, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thực phẩm chứa nhiều natri và kali như: chuối, cà chua, chocolate..., tích cực hoạt động thể chất cũng giúp bệnh nhân giảm các biến chứng, kéo dài tuổi thọ.
Một số vaccine có thể hỗ trợ ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của ESRD. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, vaccine viêm gan B và phế cầu khuẩn polysacarit (PPSV23) mang lại kết quả khả quan, đặc biệt là trước và trong quá trình điều trị lọc máu. Ngoài ra, người bệnh nên bổ sung canxi, vitamin C, D và sắt giúp thận hoạt động tốt và hấp thu các chất dinh dưỡng thiết yếu. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.
Bệnh thận giai đoạn cuối nếu không được chữa trị thường sẽ dẫn tới một số biến chứng như: nhiễm trùng da do da khô và ngứa; đau khớp, xương và cơ, xương yếu và dễ gãy; tổn thương thần kinh; suy gan; suy dinh dưỡng; thiếu máu; chảy máu dạ dày và ruột; rối loạn chức năng não và mất trí nhớ; co giật..., thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Nếu được chữa trị kịp thời, đúng cách, những người mắc ESRD vẫn có thể sống thêm nhiều năm. Do đó, những người có chức năng thận bắt đầu suy giảm, cần thường xuyên theo dõi tiến triển bệnh cũng như thực hiện theo lời khuyên, chỉ dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc và lối sống sinh hoạt hàng ngày.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02