Mẹ sơ sẩy, con nhỏ bị kim móc, phích cắm đâm xuyên mặt
Chỉ trong vài ngày, bệnh viện Nhi đồng Thâm Quyến đã phải tiếp nhận hai bệnh nhi bị chấn thương nặng ở mặt do tai nạn tại nhà riêng.
Mới đây, bệnh viện Nhi đồng Thâm Quyến vừa cấp cứu một bé gái 20 tháng tuổi bị kim móc đâm vào mặt.
Bé Kiki bị kim móc của mẹ đâm xuyên mặt. |
Được biết, bé Kiki (tên ở nhà của bệnh nhi) được người nhà đưa cấp cứu lúc 9h30 tối trong tình trạng bị một chiếc kim móc 2 đầu đâm từ miệng xuyên sâu vào má phải, bé đau và khóc không thành tiếng.
Gia đình Kiki cho hay lúc 7h tối hôm đó, trong lúc mọi người ngồi ăn cơm thì bé Kiki ngồi chơi một mình. Bất ngờ bé bị ngã và khóc ré lên. Người nhà chạy vội tới nâng dậy thì phát hiện chiếc kim móc mà mẹ vẫn thường dùng để móc len đã đâm vào mặt Kiki. Hóa ra, từ nãy bé vẫn đang chơi với chiếc kim móc của mẹ mà người nhà không hay.
Kiểm tra sơ bộ, bác sĩ phát hiện chiếc kim móc chỉ còn cách mắt phải của bệnh nhi 1cm. Nếu chỉ tiến thêm một chút thì mắt phải sẽ không thể giữ được.
Do chiếc kim móc có đầu cong nên không thể rút ngược trở lại, tránh gây chấn thương nặng hơn cho bé. Sau nửa giờ tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt phần ngoài chiếc kim móc, rạch phần da má và tiến hành rút xuôi an toàn chiếc kim móc đâm sâu 4,5cm ra khỏi miệng cháu bé mà không làm tổn thương đến mạch máu hay dây thần kinh.
Kiki khỏe mạnh khi được bố mẹ cho đi tái khám. |
Vài ngày trước, khi bố mẹ đưa cô bé đi khám lại, vết thương đã lành hẳn và không gây ra vấn đề nào nữa.
Trước đó vài ngày, một em bé khác, Gia Gia 10 tháng tuổi, cũng được đưa vào bệnh viện Nhi đồng Thâm Quyến cấp cứu trong tình trạng bị một phích cắm điện 3 trạc cắm vào đầu.
Người mẹ cho hay khi con đang tập đi thì chị mải quay sang bên cạnh lấy đồ. Đến lúc quay lại, chị đã suýt ngất khi thấy con ngã vào cái phích cắm điện để ngửa, phần chân cắm nhọn đâm sâu vào đầu, máu chảy lênh láng.
Phim chụp CT phần đầu cho thấy, chấn thương của Gia Gia khá nghiêm trọng. Não thùy trán phải có khả năng nhiễm trùng cao, phần chân cắm kim loại đâm gãy xương trán phải gây xuất huyết ngoài màng cứng.
Các bác sĩ đã ngay lập tức tiến hành phẫu thuật: Loại bỏ vụn xương bị gãy, phục hồi màng cứng, loại bỏ khối máu tụ ngoài màng cứng và khâu lại vết thương.
Sau ca phẫu thuật, tình trạng của bé Gia Gia đã ổn định, vết thương không bị nhiễm trùng gây sốt và các biến chứng khác. Sau 10 ngày nằm điều trị, bé đã bình phục và được xuất viện.
Tình trạng của bé Gia Gia khi nhập viện rất nghiêm trọng. |
Được biết, trung bình mỗi tháng, bệnh viện Nhi đồng Thâm Quyến lại tiếp nhận 3 đến 4 trường hợp bệnh nhi bị chấn thương hay xuyên thủng bởi các vật sắc nhọn. Theo kinh nghiệm từ những năm trước, phần lớn các tai nạn này xảy ra trong kỳ nghỉ hè và đông của học sinh.
Các em bé nhập viện trong tình trạng bị kim móc, kim đan, que xiên thịt, tuốc nơ vít... đâm gây chấn thương. Đặc biệt nguy hiểm nếu vết thương ở phần đầu mặt và gần mắt.
Bác sĩ cảnh báo các bậc cha mẹ cần quan tâm chú ý hơn tới những đứa con hiếu động của mình, bảo vệ chúng tránh khỏi những tai nạn đáng tiếc ngay tại gia đình. Mỗi khi dùng đồ vật sắc nhọn, bạn hãy giữ chúng tránh xa đứa trẻ và cất kĩ ngay khi dùng xong.
Khi tai nạn xảy ra, không tự ý rút vật cắm vào người bé để tránh gây ra chấn thương nặng hơn. Hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tiến hành cấp cứu.
Minh Khôi (Theo Sohu)
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02