Lọc máu cấp cứu bệnh nhân suy thận nặng do tự ý dùng thuốc nam
Suy thận mạn tiến triển có thể kéo dài 5 - 10 năm hoặc lâu hơn tùy từng trường hợp. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, triệu chứng giai đoạn đầu có thể mơ hồ, khó phát hiện, gây chậm trễ trong việc nhận biết và chữa trị đồng thời dễ dẫn đến nguy cơ tử vong.
Trong quá trình diễn tiến, bệnh suy thận mạn thường có những đợt cấp tính xảy ra, nhất là khi có những yếu tố làm nặng bệnh. Sau mỗi đợt cấp, suy thận mạn thường nặng thêm lên. Càng có nhiều đợt cấp, suy thận mạn càng nhanh kết thúc đến giai đoạn cuối cùng.
Suy thận nặng do tự ý dùng thuốc nam, bệnh nhân phải lọc máu cấp cứu
Nam bệnh nhân tại Phú Thọ nhập viện trong tình trạng suy kiệt toàn thân, suy thận mạn nặng sau 3 tháng tự ý dùng thuốc nam thay vì điều trị theo chỉ định bác sĩ.
Trung tâm Y tế khu vực Thanh Sơn (Phú Thọ) vừa cấp cứu kịp thời một trường hợp suy thận nặng do tự ý sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc. Người bệnh là ông Đ.C.C., trú tại xã Xuân Đài, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi nhiều, khó thở, suy kiệt toàn thân.
Theo thông tin từ gia đình, người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, gout và suy thận mạn. Thay vì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, ông đã ngừng thuốc tây và chuyển sang uống thuốc nam trong suốt 3 tháng. Việc sử dụng thuốc không kiểm soát về liều lượng, nguồn gốc và tương tác thuốc đã khiến tình trạng bệnh không cải thiện mà ngày càng trầm trọng hơn.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được xác định suy thận mạn giai đoạn nặng và được chỉ định lọc máu cấp cứu. Nhờ can thiệp kịp thời, sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh dần ổn định và đang tiếp tục được theo dõi tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc.
Biểu hiện của suy thận mạn tính là gì?
Suy thận mạn tính, là tình trạng suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường khi thận không thể loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Điều này khiến các chất thải tồn đọng, gây hại cho người bệnh.
Suy thận mạn là một bệnh diễn biến từ từ qua 4 giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng bệnh ở giai đoạn sớm rất kín đáo, dễ bị bỏ qua. Khi đã có biểu hiện lâm sàng thì bệnh đã ở giai đoạn cuối rất khó xử lý và tốn kém. Bệnh lúc này trở thành vấn đề nan giải cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Trong giai đoạn đầu của suy thận mạn có biểu hiện lâm sàng nghèo nàn dễ bị bỏ qua. Điều này làm cho bệnh tiến triển âm thầm mà bệnh nhân không biết.
Triệu chứng suy thận phát triển theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm và thường không đặc hiệu.
Đến giai đoạn muộn, triệu chứng lâm sàng mới biểu hiện rõ với một số dấu hiệu sau:
- Phù: triệu chứng phù phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy thận: Suy thận do nguyên nhân bệnh lý cầu thận thường có phù, thậm chí phù to. Suy thận do nguyên nhân bệnh lý ở kẽ – ống thận thường không phù và bệnh nhân có đái nhiều về đêm.
- Thiếu máu: Biểu hiện da xanh sao, người mệt mỏi, khó thở. Khi suy thận càng giai đoạn sau thì thiếu máu càng nặng nề.
- Tăng huyết áp: Khoảng 80% bệnh nhân suy thận có tăng huyết áp.
- Suy tim: Xuất hiện ở giai đoạn sau cùng của suy thận.
- Rối loạn tiêu hóa: Trong giai đoạn sớm thường là chán ăn. Ở suy thận giai đoạn III trở đi thì có buồn nôn, ỉa chảy, có khi xuất huyết tiêu hóa.
- Xuất huyết: Chảy máu mũi, chân răng, dưới da là thường gặp. Xuất huyết tiêu hóa nếu có thì rất nặng làm Urê máu, Kali máu tăng lên nhanh.
- Ngứa: do lắng đọng canxi dưới da.
- Chuột rút thường về đêm: do rối loạn canxi máu.
- Hạ thân nhiệt.
- Viêm thân kinh ngoại vi: cảm giác như kiến bò, bỏng rát ở chân.
- Hội chứng tăng ure huyết: Đây là biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn cuối cùng của suy thận mạn. Bệnh nhân có thể có co giật, rối loạn tâm thần rồi đi vào hôn mê.
Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc
Người dân tuyệt đối không tự ý điều trị bệnh bằng các phương pháp không rõ ràng, đặc biệt với các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, gout, suy thận. Việc dừng thuốc hoặc dùng thêm sản phẩm không được kiểm soát có thể dẫn tới biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Khi có nhu cầu dùng thuốc hỗ trợ, cần tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn.
Nguyên nhân gây suy thận có thể đến từ một số yếu tố khác bao gồm: Giảm lưu lượng máu đến thận, tình trạng này thường do các nguyên nhân như: bệnh tim, sẹo gan hoặc suy gan, bị bỏng nặng, phản ứng dị ứng, nhiễm trùng nặng chẳng hạn như nhiễm trùng huyết… Việc dùng thuốc cao huyết áp và thuốc chống viêm cũng có thể hạn chế lượng máu đến thận.
Khi cơ thể không đào thải được nước tiểu, các chất độc sẽ tích tụ và gây quá tải cho thận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm một số bệnh ung thư ở đại tràng, bàng quang, tuyến tiền liệt (ở nam giới), cổ tử cung (nữ giới)…
Các tình trạng khác có thể gây cản trở việc tiểu tiện và lâu dần dẫn đến suy thận như: sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, cục máu đông trong đường tiết niệu, tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang.
Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến bệnh suy thận bao gồm: Xuất hiện cục máu đông ở trong hoặc quanh thận; Nhiễm trùng; Nhiễm độc kim loại nặng; Viêm mạch máu; Bệnh lupus; Viêm cầu thận; Các loại thuốc điều trị ung thư và một số bệnh tự miễn, một số loại thuốc kháng sinh; Bệnh tiểu đường không kiểm soát… cũng gây suy thận.
Tóm lại: Dù lọc máu có thể giúp giảm bớt áp lực cho thận, giúp thận khỏe hơn, nhưng việc này cũng không thể thay thế hoàn toàn chức năng của thận. Vì thế, người bị bệnh vẫn có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là dẫn đến tử vong. Vì thế, việc phòng suy thận là vô cùng quan trọng. Các phương pháp duy trì lối sống lành mạnh để giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách: Uống đủ nước. Nếu có các bệnh lý nền, bệnh lý đồng mắc thì cần kiểm soát tốt: huyết áp, đường huyết. Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ, không chủ quan với những bất thường của cơ thể.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Máu trong nước tiểu cảnh báo ung thư gì?
09/01/2024 - 10:39:58
- Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng thế nào tới phụ nữ?
03/07/2023 - 11:56:41
- 5 nguyên nhân khiến phụ nữ bị viêm đường tiết niệu
29/06/2023 - 10:06:47