Lần đầu thay khớp háng 2 bên cùng lúc cho cụ ông 92 tuổi
Bệnh nhân ở Hà Nội bị ngã gãy cổ xương đùi cả hai bên, được bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thay cùng lúc khớp háng.
Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết ca mổ tiến hành chiều 5/8, cũng là lần đầu tiên bệnh viện cùng một lúc thay hai bên khớp háng cho một bệnh nhân.
Theo bác sĩ Khánh, ca bệnh này hiếm gặp, kể cả với y văn thế giới. Cổ xương đùi là phần yếu nhất của khớp háng, chịu lực chính cho trọng lượng cơ thể. Thông thường người bệnh bị gãy một bên khớp háng, là tổn thương rất nặng nề, đặc biệt đối với người già. Bệnh nhân này đã 92 tuổi, gãy đồng thời cả hai bên khớp háng.
Tổn thương này dẫn đến xương không thể liền lại được, bệnh nhân không thể ngồi, đứng dậy hay đi lại được mà phải nằm một chỗ nên dễ bị biến chứng như loét lưng, mông, gót ở những vùng tì đè, đại tiểu tiện khó khăn. Người bệnh phải đặt xông tiểu nên dễ nhiễm trùng tiết niệu, nằm một chỗ không vận động sẽ ứ trệ tuần hoàn, nguy cơ hình thành các cục huyết khối trong lòng mạch (thuyên tắc tĩnh mạch sâu). Nếu các cục này di chuyển lên não dẫn đến tai biến mạch não, di chuyển vào tim gây nhồi máu cơ tim, di chuyển lên phổi gây tắc động mạch phổi.
Các bác sĩ thay khớp háng cho cụ ông chiều 5/8. Ảnh: K.O.
"Người già gãy cổ xương đùi như thế này nếu không được phẫu thuật sớm thì chắc chắn sẽ tử vong do các biến chứng", bác sĩ Khánh nói.
Thay khớp háng cả hai bên đối với bệnh nhân trẻ tuổi là một thách thức rất lớn vì đòi hỏi mổ rất nhanh, gây mê hồi sức đảm bảo, trang thiết bị đầy đủ, theo dõi và hồi sức sau phẫu thuật chu đáo mới đảm bảo an toàn cho người bệnh. Vì vậy, để phẫu thuật thành công thay khớp háng cả hai bên cho cụ ông, các bác sĩ phải hội chẩn liên chuyên khoa, đảm bảo nhiều yếu tố: gây mê, hồi sức trước, trong và sau mổ; dự trù máu, dịch truyền, điều trị các bệnh nội khoa phối hợp như tim mạch, đái tháo đường...
Các bác sĩ đã dùng phương pháp thay khớp háng bán phần không xi măng với kỹ thuật đường mổ nhỏ, ít xâm lấn, vết mổ chỉ 4-5 cm (đường mổ rất ngắn), gây tê ngoài màng cứng, giảm đau ngoài màng cứng. Người bệnh trong mổ vẫn tỉnh táo, ít đau, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, chăm sóc hậu phẫu dễ dàng hơn.
Sau phẫu thuật, người bệnh tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao. Dự kiến, sau một ngày phẫu thuật bệnh nhân có thể ngồi dậy được, sau 2 ngày có thể tập đi với sự hỗ trợ của nạng/khung trợ đỡ.
Lê Nga
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02