Kỹ thuật mới thay khớp háng cho người bại liệt
Lòng tủy xương đùi bệnh nhân nhỏ, cơ mông yếu liệt một phần nên bác sĩ ở TP HCM phải thay khớp háng theo đường phía trên.
Nam bệnh nhân 60 tuổi bị sốt bại liệt từ bé, đi lại với hai nạng và dụng cụ nẹp gối. Gần đây bệnh nhân bị tai nạn giao thông gãy cổ xương đùi, được chỉ định mổ thay khớp háng bán phần.
Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết khó khăn ở bệnh nhân này là lòng tủy xương đùi nhỏ, góc cổ thân bị biến dạng, khối cơ mông bị yếu và liệt một phần. Nếu thay khớp đường phía sau sẽ làm mất bức tường cơ và bao khớp vốn dĩ đã yếu sẵn nay lại bị cắt, dù có khâu lại vẫn không được như xưa. Thay khớp đường trước sẽ gặp khó khăn khi đóng chuôi do lòng tủy nhỏ.
Xquang của bệnh nhân trước (phía trên) và sau (phía dưới) khi mổ thay khớp háng. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Các bác sĩ đã chọn đường mổ chỉ cắt bao khớp trên (superpath). Đây là một kỹ thuật thay khớp háng mới trên thế giới, chưa nhiều nơi tại Việt Nam áp dụng. Đường mổ này nhỏ và có ưu điểm giữ nguyên được bức tường cơ phía sau và bao khớp trước nên hạn chế trật khớp. Sau 45 phút phẫu thuật ngày 13/8 và 5 ngày tập vật lý trị liệu, bệnh nhân đi lại được như xưa với hai nạng và nẹp.
Phương pháp thay khớp háng đường trên không cắt cơ mà chỉ tách cơ và mở bao khớp trên để vào khớp nên vẫn giữ được tường cơ phía sau và bao khớp trước, giúp chống trật khớp và giảm đau sau mổ, bệnh nhân có thể đi lại sớm ngay hôm sau. Nhiều bệnh nhân đã được thực hiện kỹ thuật này tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đạt kết quả tốt.Theo bác sĩ Nam Anh, thay khớp háng có thể được thực hiện bằng các đường mổ phía trước, trước bên hay phía sau. Các đường mổ này phải cắt các cơ bao quanh khớp háng để đi vào trong khớp háng, nhất là đường phía sau. Việc cắt cơ có thể làm khớp háng dễ trật, đau, làm bệnh nhân chậm hồi phục. Thay khớp háng đường trước không cắt cơ nhưng khó khăn khi đặt chuôi, nhất là bệnh nhân béo, cổ xương đùi ngắn, lòng tủy nhỏ.
Lê Phương
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02