Giải pháp cho người thiếu máu
Các thể bệnh thiếu máu
Thiếu máu là hiện tượng giảm lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể, trong đó giảm huyết sắc tố có ý nghĩa quan trọng nhất.
Thiếu máu do chảy máu: Cấp tính: sau chấn thương, chảy máu dạ dày - tá tràng... Mạn tính: do giun móc, trĩ chảy máu... Thiếu máu do thiếu yếu tố tạo máu: các chất cần thiết cho tạo máu hay bị thiếu thường là: sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin C,... thường gặp nhất là thiếu máu dinh dưỡng. Thiếu máu do rối loạn tạo máu: suy nhược tủy xương; loạn sản tủy xương. Thiếu máu do huyết tán: nguyên nhân tại hồng cầu: như bất thường cấu trúc màng hồng cầu (bệnh hồng cầu hình bi...), thiếu hụt men (G6PD...)...
Biểu hiện thế nào?
Triệu chứng cơ năng: người bệnh có thể cảm thấy ù tai, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên hay khi thay đổi tư thế hoặc khi gắng sức. Có thể ngất lịm nhất là khi thiếu máu nhiều; nhức đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ hoặc ngủ gà, thay đổi tính tình, tê tay chân, giảm sút sức lao động trí óc và chân tay; hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, có thể đau vùng trước tim do thiếu máu cơ tim...
Triệu chứng thực thể: người bệnh có thể tự nhận biết hoặc do người khác phát hiện ra như: da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt; có thể kèm theo vàng da niêm mạc nếu thiếu máu huyết tán; hoặc sạm da niêm mạc nếu thiếu máu do rối loạn chuyển hoá sắt. Đặc biệt có thể quan sát rõ ở vị trí da mỏng, trắng như mặt, lòng bàn tay... hoặc ở niêm mạc mắt, môi, lưỡi, vòm miệng... Màu sắc của niêm mạc phản ánh rõ hơn màu sắc của da; lưỡi: màu nhợt, hoặc nhợt vàng trong huyết tán, hoặc bự bẩn trong thiếu máu do nhiễm khuẩn, hoặc lưỡi đỏ lừ và dày lên trong thiếu máu Biermer. Gai lưỡi mòn hay mất làm lưỡi nhẵn bóng, có thể có vết ấn răng, (thường gặp trong thiếu máu mạn và nhược sắc); tóc rụng, móng tay giòn dễ gãy,...
Khi thiếu máu, tim sẽ phải đập nhanh và có thể có tiếng thổi tâm thu thiếu máu. Nếu thiếu máu lâu mà không được phát hiện và điều trị, có thể dẫn đến suy tim, rất nguy hiểm.
Chẩn đoán thiếu máu chủ yếu phải dựa vào các xét nghiệm. Xét nghiệm công thức máu toàn diện cho biết mức độ các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết sắc tố...; xét nghiệm đếm hồng cầu lưới để xem tủy xương sản xuất hồng cầu như thế nào. Kiểm tra về sắt để đo lượng sắt dự trữ trong cơ thể và trong máu.
Các biểu hiện khi cơ thể thiếu máu.
Những biến chứng
Nếu không được điều trị, thiếu máu có thể gây ra mệt mỏi kéo dài; biến chứng thai kỳ: phụ nữ mang thai bị thiếu máu có thể sinh non; vấn đề về tim: thiếu máu có thể dẫn đến nhịp tim nhanh hoặc không đều. Điều này có thể dẫn đến suy tim; tử vong: thiếu máu hồng cầu hình liềm có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng.
Giải pháp cho người bệnh thiếu máu
Tùy vào nguyên nhân của bệnh thiếu máu bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị khác nhau.
Thiếu máu do thiếu sắt sẽ phải bổ sung sắt để cơ thể hấp thụ dễ dàng. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc bổ sung sắt. Lượng sắt dư thừa có thể gây hại. Nguồn thực phẩm nhiều chất sắt bao gồm thịt đỏ, đậu, lòng đỏ trứng, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và hải sản...
Đối với thiếu máu do thiếu B12 và folate vitamin, bác sĩ cũng có thể khuyên nên tăng lượng vitamin B12 trong chế độ ăn uống. Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin B12 là thịt, gan và thận, cá, hàu và trai và sữa, pho mát, trứng.
Trong một số trường hợp thiếu máu do bị thận mạn tính, cần tiêm hormon erythropoietin. Ở bệnh hồng cầu hình liềm, dùng hydroxyruena giúp giảm đau.
Khi thiếu máu nặng thì cần truyền máu. Nếu cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu, có thể chữa bằng cấy ghép tủy xương hay máu từ cuống rốn. Tế bào máu bị phá hủy quá nhanh, cần điều trị huyết tương hay loại bỏ lá lách. Việc điều trị cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định và theo dõi chặt chẽ.
Bệnh có thể phòng tránh
Nhiều loại thiếu máu không thể phòng ngừa được. Nhưng có thể tránh thiếu máu do thiếu sắt và thiếu máu do thiếu vitamin bằng chế độ ăn uống bao gồm nhiều loại vitamin và khoáng chất: chất sắt: thực phẩm giàu chất sắt bao gồm thịt bò và các loại thịt khác, đậu lăng, ngũ cốc tăng cường chất sắt, rau lá xanh đậm và trái cây sấy khô.
Folate: được tìm thấy trong trái cây và nước ép trái cây, rau lá xanh đậm, đậu xanh, đậu thận, đậu phộng và các sản phẩm ngũ cốc như bánh mì, ngũ cốc, mì ống và gạo; vitamin B12: thực phẩm giàu vitamin B12 gồm thịt, các sản phẩm từ sữa và các sản phẩm ngũ cốc, đậu nành tăng cường; thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây và nước ép cam quýt, ớt, bông cải xanh, cà chua, dưa và dâu tây...
BS. Nguyễn Đức Trí
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02