Dùng nước súc họng cũng cần đúng cách
Để phòng, chống viêm họng, chúng ta đều được khuyến cáo dùng nước súc họng, tuy nhiên không phải ai cũng biết sử dụng loại nước này đúng cách.
Thuốc súc họng thường được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là kháng sinh súc họng được sử dụng nhiều nhất để pha chế các thuốc súc họng như veybirol - tyrothricin. Nhóm 2 là sát khuẩn súc họng như bétadine gargle, givalex, BBM - muối borat, muối bicarbonat và methol... Nhóm 3 là trung hòa pH như nước muối 0,9%, natribicarbonat...
Thuốc súc họng thường được bào chế dưới dạng dung dịch hoặc thuốc bột dùng để pha trước khi sử dụng. Khi sử dụng thường súc họng trên 2 lần/ngày, ngụm đầu súc thật sạch họng, sau đó ngậm thuốc súc họng trong 5 - 10 phút rồi nhổ ra. Tuyệt đối không nuốt thuốc. Một số thuốc sử dụng với thời gian ngắn hơn như listerin chỉ ngậm trong miệng 30 giây ngay sau khi đánh răng.
Thuốc súc họng không nên sử dụng quá dài ngày và nhiều loại cùng một lúc
Đối với phụ nữ có thai hoặc cho con bú, chỉ nên dùng dung dịch nước muối nhạt để súc họng. Lưu ý, pha nước muối để súc họng chỉ nên pha nhạt như nước canh. Nếu pha nhạt quá nước muối sẽ ít tác dụng sát khuẩn và trung hòa pH. Nếu mặn quá lại gây tổn thương niêm mạc vùng họng.
Có thể coi viêm họng mùa hè là do dị ứng thời tiết, do uống nước lạnh, sử dụng điều hòa không hợp lý... Thuốc thường được dùng là thuốc chống dị ứng (kháng histamine), thuốc súc họng có tính kiềm nhẹ (BBM, muối carbonate, nước muối 0,9%...).
Thuốc súc họng thường được sử dụng dưới 10 ngày (trừ nước muối). Nếu sử dụng quá dài ngày cũng gây tình trạng mất cân bằng cho lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Không nên sử dụng cùng một lúc nhiều loại thuốc súc họng có chất sát khuẩn nếu không có ý kiến và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc. Thuốc súc họng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ nếu không dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Do vậy, nếu gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào, phải dừng ngay việc súc họng và báo cho bác sĩ biết để kịp thời xử trí, có thể thay thuốc hoặc điều trị bằng phương pháp khác.
Yên Vũ
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02