Câu cá dưới đường điện, cần thủ bị bỏng nặng
Tranh thủ ngày nghỉ đi phụ hồ, nam thanh niên nổi hứng mang cần đi câu cá. Đang say sưa giật cần khi cá cắn câu thì một tiếng roẹt vang lên khiến cần thủ gục tại chỗ. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định nạn nhân bị bỏng tia lửa điện rất nặng.
Ngày 17/8, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, tại đây đang điều trị cho một trường hợp bị bỏng tia lửa điện rất hi hữu. Bệnh nhân là Phan Ngọc M. (30 tuổi, ngụ tại Long An) được bệnh viện địa phương chuyển viện cấp cứu.
Bỏng tia lửa điện thường để lại những hậu quả rất nặng nề
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người bệnh được biết, Ngọc M. làm nghề thợ hồ, cùng ngày tai nạn xảy ra công việc ít nên anh nghỉ ở nhà. Nhân thời gian rãnh rỗi Ngọc M. nổi hứng mang cần đi câu cá. Tuy nhiên, do sơ ý nên anh chọn vị trí ngồi câu ngay dưới đường dây điện. Khi cá căn câu, anh giật mạnh cần thì dây cước câu văng theo chiều thẳng đứng, vừa lúc đó một tiếng roẹt vang lên khiến nạn nhân gục tại chỗ được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu.
Tại khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị bỏng tia lửa điện 8% (độ I đến độ III) diện tích bỏng rải rác toàn thân và tứ chi. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực bằng kháng sinh, chăm sóc vết bỏng, theo dõi nguy cơ hoại tử, chết cơ xương ở vùng cổ tay trái bị bỏng nặng. Dự kiến, bệnh nhân sẽ phải điều trị kéo dài, ghép da nhiều lần.
Bỏng tia lửa điện thường để lại những hậu quả rất nặng nề, nạn nhân của bỏng điện thường là những người làm nghề thợ điện, thợ hồ xây dựng các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Tai nạn bỏng điện ở người đi câu cá khá hi hữu, ít khi xảy ra nhưng mức độ nguy hiểm cũng tương tự như những tình huống bỏng điện khác có thể cướp đi tính mạng bệnh nhân hoặc để lại những di chứng nặng nề.
Nhiều trường hợp bỏng nặng, các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng vẫn mất khả năng lao độngTheo phân tích của BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Chợ Rẫy, trong lúc câu cá nạn nhân bị phóng điện là do, ngoài dòng điện có sẵn trên đường dây thì với những đường điện trung thế hoặc cao thế luôn có từ trường mạnh xung quanh đường dây. Bình thường không khí không dẫn điện, nhưng dưới tác dụng của từ trường mạnh không khí bị ion hóa nên có khả năng dẫn điện, đặc biệt khi không khí ẩm ướt, điện trở giảm, tính dẫn điện tăng lên rất nhiều.
Hiện nay, đa phần cần câu cá được làm từ chất liệu carbon (còn gọi là Graphite) hoặc sợi thủy tinh có khi được pha thêm kim loại Tungtene. Ngoài ra còn 2 yếu tố đầu cần câu nhỏ, điện trở thấp và khi câu sợi dây câu bị ướt nước cũng là môi trường dẫn điện tốt.
Trong những trường hợp bỏng điện, người cầm cần câu chỉ sơ ý vi phạm hành lang an toàn lưới điện sẽ tạo thành yếu tố thuận lợi để truyền điện từ nơi có điện áp cao đến nơi điện áp thấp gây nên tình trạng phóng tia lửa điện. Cả cần câu cá và người cầm cần câu khi đó sẽ trở thành dây dẫn điện.
Khác với các tai nạn bỏng lửa, bỏng nước sôi vùng tổn thương chủ yếu tập trung ngoài da nạn nhân bỏng điện thường bị tổn thương rất nặng. Khi dòng điện chạy qua, cơ thể sẽ trở thành một phần của mạch điện, tổn thương thường rất sâu, gây hoại tử cơ - xương, mạch máu, thần kinh nơi có điện trở lớn, khiến việc điều trị vô cùng khó khăn. Rất nhiều trường hợp bị bỏng điện, các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa để tránh nguy cơ tàn phế cho người bệnh, nhưng cuối cùng vẫn buộc phải đoạn chi của bệnh nhân (có bệnh nhân phải đoạn cả 4 chi) để ngăn chặn tình trạng hoại tử, nhiễm trùng, nhiễm độc nhằm cứu sống tính mạng.
Vân Sơn
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02