5 cách chống nhiễm trùng tiết niệu tại nhà
Bệnh nhiễm trùng tiết niệu có thể phòng tránh tại nhà bằng cách uống nhiều nước, tăng vitamin C, bổ sung lợi khuẩn, uống nước ép việt quất không đường và tập thói quen vệ sinh tốt.
Nhiễm trùng tiết niệu là bệnh phổ biến, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, thường từ da hoặc trực tràng. Thống kê cho thấy có hơn 404 triệu người mắc bệnh này trên thế giới vào năm 2019.
Mọi cơ quan của đường tiết niệu đều có thể nhiễm trùng, song nhiễm trùng bàng quang phổ biến nhất. Nữ giới dễ mắc hơn nam giới do họ có ống dẫn nước tiểu ngắn hơn. Tuy nhiên, bệnh có thể dự phòng với 5 biện pháp tại nhà hữu ích dưới đây.
Uống nhiều nước
Mất nước làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu. Nguyên nhân là việc đi tiểu thường xuyên có thể giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu để ngăn nhiễm trùng. Khi bị mất nước, mọi người không đi tiểu thường xuyên, khiến vi khuẩn sinh sản.
Một nghiên cứu năm 2019 thực hiện tại viện dưỡng lão, đưa ra lịch trình tăng uống nước cho những người tham gia. Kết quả, nhóm tuân thủ lịch trình giảm tỷ lệ nhiễm trùng tiết niệu phải điều trị kháng sinh còn 58%.
Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên vào năm 2020 có 140 người tiền mãn kinh nguy cơ mắc bệnh tham gia. Nghiên cứu này kéo dài 12 tháng, nhằm kiểm tra liệu hấp thụ nhiều chất lỏng hơn có làm giảm nguy cơ viêm bàng quang tái phát và nguy cơ bệnh nhiễm trùng tiết niệu tiến triển hay không. Các nhà nghiên cứu phát hiện tăng lượng chất lỏng uống vào dẫn đến giảm tần suất nhiễm trùng tiết niệu.
Để giữ nước và đáp ứng nhu cầu cơ thể, mọi người nên uống nước cả ngày và luôn uống khi khát.
Nhiễm trùng đường tiết niệu gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Freepik
Tăng vitamin C
Một số bằng chứng cho thấy nạp thêm vitamin C có thể bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Vitamin C được cho là hoạt động bằng cách tăng độ acid của nước tiểu, tiêu diệt vi khuẩn.
Một thử nghiệm lâm sàng năm 2019 liên quan bé gái bị nhiễm trùng tiểu cho thấy bổ sung điều trị acid ascorbic bên cạnh kháng sinh giúp làm giảm các triệu chứng. Một nghiên cứu giả dược ngẫu nhiên nhỏ năm 2020 liên quan tới 19 người ghép thận cho thấy lượng vi khuẩn trong nước tiểu thấp hơn đáng kể ở những người dùng vitamin C tiêm tĩnh mạch so với nhóm giả dược.
Kết quả từ nghiên cứu nhỏ năm 2016 cũng cho thấy kết hợp vitamin C cùng quả nam việt quất và lợi khuẩn lactobacillus rhamnosus, có thể điều trị hiệu quả nhiễm trùng tiết niệu tái phát.
Trái cây và rau quả đặc biệt giàu vitamin C, cũng là cách hiệu quả giúp tăng lượng chất nạp vào. Ví dụ ớt đỏ, cam, bưởi và kiwi chứa đầy đủ lượng vitamin C được khuyến nghị cho khẩu phần hàng ngày.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều quan điểm trái chiều về việc liệu vitamin C có thực sự thay đổi độ acid trong nước tiểu đủ để diệt vi khuẩn hay không. Tuy nhiên, ít nhất, việc tăng liều lượng vi chất này sẽ hỗ trợ cho hệ miễn dịch.
Uống nước ép nam việt quất
Nước ép nam việt quất không đường cũng là biện pháp tự nhiên chống nhiễm trùng do giúp ngăn vi khuẩn bám vào đường tiết niệu. Trong nghiên cứu vào năm 2016, những người tham gia từng bị nhiễm trùng đường tiểu, uống khoảng 240 ml nước ép nam việt quất mỗi ngày kéo dài trong 24 tuần. Họ ít mắc các đợt nhiễm trùng hơn so với nhóm không uống.
Một nghiên cứu khác cho thấy sử dụng các sản phẩm nam việt quất có thể giảm số lần nhiễm trùng tiết niệu trong một năm, đặc biệt những người bị tái phát bệnh. Trong nghiên cứu khác mới hơn, những người tham gia có tiền sử tái phát nhiễm trùng không biến chứng, báo cáo đã giảm nhiễm trùng sau khi uống bổ sung nước ép nam việt quất trong 6 tháng.
Quả nam việt quất. Ảnh: Freepik
Một số nghiên cứu lại cho thấy nước ép nam việt quất có thể không hiệu quả trong phòng ngừa nhiễm trùng. Do kết quả không thống nhất, các nhà khoa đã công bố một đánh giá về các nghiên cứu hiện có. Kết quả phân tích tổng hợp cho thấy bổ sung nam việt quất làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, gợi ý sử dụng quả này cùng các liệu pháp khác trong điều trị. Họ cũng lưu ý rằng một số thử nghiệm có thể bị hạn chế.
Lợi ích của biện pháp này chỉ áp dụng với nước ép không đường. Nước ép có đường không giúp điều trị nhiễm trùng tiết niệu.
Bổ sung lợi khuẩn
Lợi khuẩn là những vi sinh có lợi được bổ sung thông qua thực phẩm hoặc chất bổ sung. Chúng có thể thúc đẩy sự cân bằng vi khuẩn trong đường ruột. Lợi khuẩn có sẵn ở dạng uống bổ sung hoặc có trong thực phẩm lên men, chẳng hạn như kim chi, sữa chua chứa men vi sinh...
Uống lợi khuẩn có thể cải thiện nhiều mặt, từ sức khỏe tiêu hóa đến chức năng miễn dịch. Một vài nghiên cứu chỉ ra lợi khuẩn có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.
Thuốc kháng sinh là tuyến cuối chống nhiễm trùng tiểu, song có thể gây rối loạn vi khuẩn đường ruột. Lợi khuẩn có thể có lợi do phục hồi vi khuẩn đường ruột sau khi điều trị bằng kháng sinh. Men vi sinh giúp tăng mức độ vi khuẩn tốt cho đường ruột và giảm tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh.
Tập thói quen vệ sinh lành mạnh
Có thể ngăn nhiễm trùng tiết niệu bắt đầu bằng cách thực hành một số thói quen vệ sinh tốt, gồm:
Không nhịn tiểu quá lâu do khiến vi khuẩn tích tụ gây nhiễm trùng.
Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục được chứng minh giảm nguy cơ nhiễm trùng, bằng cách ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, đã được các cơ quan y tế, bao gồm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) khuyến nghị. Người dễ bị nhiễm trùng nên tránh sử dụng chất diệt tinh trùng.
Cuối cùng, khi vệ sinh niệu đạo nữ, hãy lau rửa từ trước ra sau. Việc lau rửa từ sau ra trước có thể khiến vi khuẩn lây lan vào đường tiết niệu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02