2 thói quen hàng ngày gây hệ lụy ghê gớm tới sức khỏe bạn
Đó là thói quen nghiện lướt mạng xã hội và mua sắm online, thiếu kiểm soát. Hãy tìm hiểu vì sao chúng lại bào mòn sức khỏe của bạn nhé!
Một xã hội số hóa và áp dụng nhiều công nghệ hiện đại mang lại cho mỗi chúng ta nhiều tiện ích và sự thoải mái tận hưởng. Xét toàn diện, mặt được là cơ bản và đem lại nhiều thuận lợi trên cả mong đợi, nhưng mặt trái cũng không ít, có thể bào mòn chính sức khỏe của mỗi chúng ta. Sau đây là 2 thói quen mà rất nhiều người mắc phải cùng với các hậu quả không ngờ:
1. Thói quen hàng ngày dành quá nhiều thời gian lướt mạng xã hội: Tăng nguy cơ cô lập, trầm cảm
Cho dù bạn lướt qua Facebook hay các trang mạng, việc dành nhiều thời gian trên mạng xã hội có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của bạn.
Sự cô lập xã hội do chìm đắm trong thế giới ảo sẽ có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn
Trớ trêu thay, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phương tiện truyền thông xã hội - một nền tảng nhằm mang mọi người xích lại với nhau - sẽ dẫn bạn đến cảm giác bị cô lập và sống trong thế giới ảo. Càng dành nhiều thời gian trên các trang mạng xã hội, bạn càng bị cô lập. Và rõ ràng sự cô lập xã hội sẽ có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.
Khi bạn vào một trang mạng xã hội, cho dù đó là ảnh đi nghỉ du lịch hay ảnh về một chiếc ô tô mới tậu, nhưng việc nhìn vào các bài đăng trên mạng xã hội của người khác, cũng có thể khiến không ít người dễ kết luận rằng cuộc đời của mình không bằng cuộc sống của bạn bè. Và nghiên cứu cho thấy thói quen hay so sánh và ghen tị với bạn bè của bạn trên mạng xã hội có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, bực bội, bất an và rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người nghĩ rằng mạng xã hội sẽ giúp họ cảm thấy tốt hơn, vì vậy họ tiếp tục quay lại để xem nhiều hơn. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thời gian dành cho mạng xã hội làm giảm tâm trạng tích cực của con người.
Tất nhiên, bạn vẫn có thể lướt Facebook và mạng xã hội, nhưng nên chừng mực và có kiềm chế và kỷ luật đối với bản thân. Thay vì dành hàng giờ để lướt qua mạng xã hội, tốt hơn hết bạn nên đầu tư thời gian và năng lượng của mình vào các tương tác trực tiếp. Ăn trưa với bạn bè, gọi điện cho ai đó hoặc lên lịch ăn tối với đại gia đình của bạn. Các tương tác xã hội trực tiếp trong đời thực có thể cải thiện đáng kể sức khỏe của bạn.
2. Thói quen mua sắm thiếu kiểm soát: Gia tăng nguy cơ tự tử, bệnh tâm thần kinh…
Giờ đây, việc mua sắm tiện ích và có quá nhiều tùy chọn ở các siêu thị và nhất là mua sắm trực tuyến quá dễ dàng, đặc biệt thịnh hành trong mùa COVID. Chỉ cần vài nút bấm trên điện thoại thông minh, dù trưa nắng gắt hay đêm khuya mưa lạnh bạn vẫn có được món hàng tiêu dùng hay ăn uống mong muốn, điều này có thể khiến bạn dễ sa vào "bẫy chi tiêu" và mất kiểm soát tài chính. Cứ như vậy dần dà có thể đẩy bạn rơi vào thiếu hụt tài chính thường xuyên và tình trạng nợ nần kéo dài là một hệ quả xấu tất yếu.
Thực tế, một số nghiên cứu thói quen mua sắm của cư dân khi đi vào các siêu thị, kết quả cho thấy khi bước vào các siêu thị, đa số người đi mua sắm đã cơ bản định hướng mua một số món đồ tiêu dùng và đã cân đối sẵn tài chính trong kế hoạch, nhưng khi bước ra quầy thanh toán thường cho thấy vượt chủng loại hàng dự kiến ban đầu và số tiền thanh toán thường vượt mức dự kiến ban đầu. Nghiên cứu cũng cho thấy, người mua sắm bằng thẻ chi tiền vung tay hơn, mua sắm nhiều đồ dùng hơn so với người mua sắm dùng tiền mặt.
Nghiện mua sắm có thể dẫn tới nợ nần và hệ lụy về sức khỏe tâm thần
Nói về mua hàng online, một số nghiên cứu cho thấy, kể từ khi xuất hiện mua sắm trực tuyến, chi tiêu tài chính của các cá nhân và gia đình cao hơn so với trước, các gia đình thường mất thêm một phần tài chính hàng tháng mua các món ăn nhanh trong vòng 24 giờ và tốn phí mua các đồ dùng gia dụng không nhất thiết phải sắm ngay nếu so với thời điểm chưa có mua sắm online.
Và thật sự oái ăm, nhiều áo quần giày dép hay đồ gia dụng hàng ngày mua online hoặc một lần đảo mắt lướt qua gian hàng trong siêu thị, có khi chỉ được dùng 1-2 lần, rồi trở thành hàng tồn kho và bị quên lãng. Chính "bẫy chi tiêu" đã lấy mất đi một phần tài chính của các gia đình, thay vì dùng khoản kinh phí đó để làm nhiều việc có ích khác.
Và hậu quả của nợ nần, thiếu hụt tài chính triền miên…
Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Tâm lý lâm sàng Clinical Psychology Review đã phát hiện ra mối tương quan giữa bệnh tâm thần kinh và các vấn đề tài chính. Các nhà nghiên cứu kết luận khả năng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần kinh cao hơn gấp 3 lần ở những người mắc nợ nần. Thậm chí còn có mối liên hệ cao hơn giữa tự tử và nợ nần, những người chìm trong nợ nần có nguy cơ tự tử cao gấp 8 lần so với người không nợ nần.
Tất nhiên, một nghiên cứu tương quan không chứng minh được quan hệ nhân quả. Nợ nần góp phần gây ra bệnh tâm thần kinh không? Hay bệnh tâm thần kinh góp phần tạo nên nợ nần? Không ai biết chắc một cách đầy đủ về mối liên quan vừa nêu. Nhưng điều chắc chắn là nợ nần có thể dẫn đến mức độ stress cao. Và quá nhiều stress không tốt cho sức khỏe của bạn.
Thừa cân, béo phì gia tăng kéo theo bệnh tật
Sự quá tiện lợi trong việc mua các thức ăn, đồ uống nhanh qua online còn làm nảy sinh một kiểu ăn uống mới: Ăn khi bạn chưa đói.
Chỉ cần mở điện thoại với vài nút bấm trên smartphone, một bữa ăn nhẹ có thể được mang đến tận nhà cho bạn dù bạn không thực sự đói. Bạn dễ sa vào ăn uống theo cảm xúc, ăn đêm hoặc ăn uống quá độ, ăn nhiều hơn mức cần thiết.
Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ thêm calo khiến bạn bị thừa cân. Và thừa cân làm tăng nguy cơ mắc một loạt các vấn đề sức khỏe như: Bệnh đái tháo đường type 2; bệnh tăng huyết áp; bệnh tim và đột quỵ; viêm xương khớp; chứng ngưng thở lúc ngủ; một số loại ung thư; bệnh thận.
Vì vậy, hãy kiểm soát tài chính của bạn bằng cách tạo ra một kế hoạch chi tiêu, chỉ mua sắm khi thấy thật cần thiết qua online hay vào siêu thị. Sắp xếp tài chính của bạn theo thứ tự và chi tiêu trong giới hạn của bạn, có thể có tác động tích cực đến sự hài lòng về cuộc sống tinh thần của bạn.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02