10 phút cứu sống mẹ con sản phụ bị xuất huyết do nhau tiền đạo
Giữa trưa nhưng tuyến đường nối hai bệnh viện vẫn ùn tắc. Tài xế xe cấp cứu buộc phải chạy sang phần đường ngược chiều để kịp thời gian cứu thai phụ. Khoảng 5 phút sau, các bác sĩ ở Bệnh viện Hùng Vương đã có mặt tại cổng Bệnh viện Thống Nhất.
Tối 10-7, theo thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương, các bác sĩ của bệnh viện này và Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM vừa phối hợp khẩn cứu sống con của một thai phụ bị biến chứng xuất huyết ồ ạt do nhau tiền đạo. Hiện sức khỏe của sản phụ đã bình phục, có thể nói chuyện. Dự kiến sản phụ sẽ được chuyển đến Bệnh viện Hùng Vương để tiếp tục được theo dõi.
Sản phụ là chị L.T.T.T., 31 tuổi, ngụ ở Tân Bình, TP.HCM. Chị T. mang thai 36 tuần tuổi, đến cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất lúc 11h35 trưa 9-7 trong tình trạng xuất huyết âm đạo ồ ạt.
Thạc sĩ - BSCK2 Hồ Hữu Đức, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, cho biết thai phụ được chẩn đoán nhau tiền đạo trung tâm ra máu, tình trạng nguy kịch có thể ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn con.
Trước tình hình này, các bác sĩ trực cấp cứu của Bệnh viện Thống Nhất đã lập tức truyền dịch để sơ cứu cho thai phụ, xét nghiệm máu khẩn đồng thời khởi động quy trình báo động đỏ ngoại viện để hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương.
BSCK2 Võ Thị Mỹ Hạnh - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Hùng Vương, người tiếp nhận điện thoại từ các đồng nghiệp ở Bệnh viện Thống Nhất - cho biết sau cú điện thoại lúc 12h05, một êkip hỗ trợ mổ sanh cùng êkip cấp cứu đã lập tức lên xe cứu thương lên đường tiếp ứng.
Khoảng 5 phút sau, các bác sĩ đã có mặt tại cổng Bệnh viện Thống Nhất. “Việc mổ bắt con đã nhanh chóng tiến hành sau khi thai phụ được gây mê nội khí quản. Tất cả thời gian gây mê và sinh mổ chỉ diễn ra trong 10 phút”, bác sĩ Hạnh kể.
Bé trai ra đời nặng 2,4kg, hiện sức khỏe hoàn toàn ổn định, đang được chăm sóc tại Bệnh viện Hùng Vương. Riêng người mẹ sau khi được mổ bắt con đã được các bác sĩ truyền máu và thực hiện các biện pháp cấp cứu hồi sức.
Tỉnh táo sau cơn nguy kịch, sản phụ cho biết cách đây khoảng một tháng đã một lần bị xuất huyết và đến dưỡng thai tại một bệnh khác. Tại đây, các bác sĩ xác định chị bị nhau tiền đạo.
Sau 2 tuần điều trị, thai phụ được cho xuất viện. “Lúc xuất viện, tôi thấy không còn xuất huyết nữa. Bỗng nhiên hôm qua tình trạng này xuất hiện nên không kịp vào bệnh viện sản, mà phải vào Bệnh viện Thống Nhất do bệnh viện này gần nhà. Nếu các bác sĩ không kịp thời phối hợp cứu chữa, tôi không biết bây giờ đã ra sao”, bệnh nhân nói.
Các bác sĩ cho biết nhau tiền đạo là thai có bánh nhau che khuất một phần hay toàn bộ cổ tử cung. Nhau tiền đạo có thể phát hiện từ khi thai 20 tuần tuổi.
Xuất huyết là biến chứng nguy hiểm của nhau tiền đạo bởi có thể khiến thai nhi có thể sinh non hoặc suy dinh dưỡng. Nhau tiền đạo với đặc điểm xuất huyết bất ngờ (thường ở 3 tháng cuối thai kỳ) có thể ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn con nếu không được xử trí kịp thời.
THÙY DƯƠNG
Link nguồn:
Theo tuoitre.vn
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02