Phối hợp các biện pháp của y học cổ truyền khi cách ly F0 tại nhà
Khi ở nhà, điều kiện ăn, ở, ngủ, tập luyện, môi trường sống của người F0 (không triệu chứng) sẽ tốt và phù hợp hơn ở khu cách ly tập trung. Cùng với sự kết hợp các biện pháp y học cổ truyền nêu trên sẽ giúp bệnh nhân tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể lực và mau chóng phục hồi.
Đối mặt với đại dịch COVID-19, ngành y tế Việt Nam nói riêng và toàn xã hội nói chung đã phải nỗ lực rất nhiều, tự hào vì đã đẩy lùi được nhiều đợt bùng dịch cũng như cố gắng kiểm soát tốt sự lây lan cộng đồng.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguồn lực quốc gia còn nhiều hạn chế nên với sự bùng phát số ca mắc như đợt dịch này khiến cho ngành y tế quá tải. Tại Việt Nam đã áp dụng thử nghiệm cách ly một số trường hợp F0, không có triệu chứng tại nhà. Việc này cho thấy một số lợi ích như giảm tải cho ngành y tế, nhanh chóng phục hồi, tinh thần bệnh nhân thoải mái, giảm gánh nặng xã hội, giảm lây nhiễm chéo.
Chuẩn bị cho việc cách ly F0 tại nhà
Đối với F0 (không bị các triệu chứng nặng) và F1 cách ly tại nhà cần phải lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình cách ly và điều trị bệnh.
Lên kế hoạch để dự trữ lương thực, thực phẩm, đồ thiết yếu, thuốc men, dụng cụ y tế cá nhân; kế hoạch liên hệ y tế, liên lạc với người thân quen; kế hoạch dinh dưỡng, tập luyện, áp dụng biện pháp hỗ trợ điều trị.
Vì F0 cần cách ly tuyệt đối, nên phần lương thực, thực phẩm cần phải dự trữ đủ trong khoảng thời gian cách ly. Lựa chọn những loại thực phẩm có thể dự trữ được lâu như gạo, bún khô, khoai tây, bí đỏ già, trứng gà, nấm hương, mộc nhĩ… Các loại thịt, cá cần được làm sạch, chia bữa và cấp đông.
Dự trữ các loại gia vị nấu ăn (mắm, muối, dầu ăn…) và gia vị thảo dược khô như hành, tỏi, nghệ, sả, quế, hồi, đinh hương. Các loại rau củ quả tươi cũng nên dự trữ cho vài ngày đầu để ưu tiên sử dụng trước, bởi đây là nguồn thực phẩm quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân, nhất là các loại rau thơm có tác dụng chống lại virus, tăng đề kháng như rau húng, kinh giới, tía tô, diếp cá… Các loại thực phẩm ăn liền, đóng gói cũng có thể chuẩn bị thêm nhưng ưu tiên sử dụng thực phẩm tự nấu để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra cần phải đảm bảo đủ nguồn nước sạch để sử dụng.
Những đồ dùng thiết yếu như dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng, giấy vệ sinh, dụng cụ nấu ăn, quần áo, điện thoại, máy tính… cần phải chuẩn bị đủ để tự bản thân có thể xoay xở.
Vì đây là bệnh lý nguy hiểm, diễn biến khó lường nên bệnh nhân cần chuẩn bị danh sách những cán bộ y tế để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp, cũng như liên hệ với người thân để cập nhật tình hình sức khỏe hay cần sự trợ giúp.
Về thuốc men, cần chuẩn bị oresol, paracetamol, vitamin tổng hợp; các loại thuốc điều trị bệnh mãn tính theo đơn (nếu có)… và các loại thảo dược giúp tăng cường đề kháng, tăng sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh; các loại thảo dược xông tắm, xông phòng, chườm nóng. Dùng theo các loại thuốc men trên theo chỉ định của bác sĩ tư vấn. Các dụng cụ y tế, vật tư tiêu hao cần thiết phải chuẩn bị như nhiệt kế, thiết bị đo độ bão hòa oxy máu, khẩu trang y tế, găng tay y tế, trang phục bảo hộ (kính, giày, quần áo), cồn y tế, dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
Bệnh nhân cần trang bị kiến thức về triệu chứng bệnh, các phương pháp tự chăm sóc bản thân, tự kiểm tra dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhiệt độ, huyết áp), độ bão hòa oxy máu… để cập nhật cho người nhà hoặc cán bộ y tế. Đặc biệt phải nhận biết các biểu hiện xấu, nguy hiểm để cấp cứu kịp thời.
Các biện pháp của y học cổ truyền khi cách ly F0 tại nhà
Sử dụng thuốc y học cổ truyền để điều trị
Theo lý luận y học cổ truyền, COVID-19 thuộc phạm vi các chứng “ôn bệnh”, “ôn dịch”. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào thể bệnh và giai đoạn bệnh. Tại một số quốc gia châu Á đã áp dụng thành công việc điều trị COVID-19 bằng thuốc y học cổ truyền kết hợp với thuốc thông thường để điều trị. Một số bài thuốc có hiệu quả đã được áp dụng để điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 như: Thanh phế bài độc thang, Thanh phế bài độc phù chính thang, Hao cầm thanh đởm thang, Thanh hao miết giáp thang, Kim hoa thanh cảm, Ngân kiều tán, Ma hạnh thạch cam thang… trong đó các vị thuốc thanh hao hoa vàng, xuyên tâm liên, kim ngân hoa… đóng vai trò quan trọng trong thành phần bài thuốc.
Bệnh nhân nên liên hệ với cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền để được tư vấn, kê đơn, bốc thuốc. Có thể lựa chọn sắc sẵn đóng túi hoặc tự sắc thuốc tùy theo nhu cầu và khả năng. Ngoài ra, có thể sử dụng viên nang cứng với thành phần chiết xuất thảo dược để điều trị, dạng thuốc này tiện ích và dễ sử dụng hơn đối với bệnh nhân, tại Việt Nam đã có một số đơn vị bào chế, sản xuất.
Sử dụng thuốc từ thảo dược để tăng sức khỏe, tăng đề kháng
Cùng tác nhân gây bệnh nhưng mức độ bệnh của mỗi người khác nhau bởi thể trạng hay tình trạng sức khỏe mỗi người là khác nhau. Để bệnh không diễn biến nặng nề, mau chóng hồi phục cần phải có sức khỏe tốt, đề kháng tốt. Một trong những nguyên tắc điều trị bệnh theo y học cổ truyền đó là phải phù chính khí, trừ tà khí (phù chính khu tà) mà phù chính khí là chủ yếu. Bởi vậy, bệnh nhân nên sử dụng thêm các loại thảo dược giúp tăng sức khỏe và miễn dịch như sâm Ngọc Linh, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, cúc hoa, hoàng kỳ, mật ong…
Xông khử sạch không khí nơi ở
Vi sinh vật có thể tồn tại trong không khí, nơi ở không sạch sẽ, kín và ẩm là yếu tố làm trầm trọng thêm tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Ngoài việc vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ nơi ở cần phải làm sạch không khí bằng phương pháp xông thảo dược.
Hầu hết các loại thảo dược có tinh dầu thơm như: Quế, hồi, đinh hương, trần bì, bạch chỉ, bạch truật, thương truật, long não, tràm trà, chổi xể, vỏ bưởi, trầm hương, đàn hương… đều có thể sử dụng để xông nhà. Khói chứa các loại tinh dầu sẽ giúp làm sạch không khí, diệt virus, cải thiện tinh thần cũng như chức năng hô hấp.
Có nhiều phương pháp để xông nhà nhưng bệnh nhân nên lựa chọn cách đốt những nén thảo dược dạng tháp, nụ hay nhang hoặc dùng tinh dầu thảo mộc.
Với các loại nén như tháp hương thảo mộc, nụ trầm có thể đặt lên đĩa, lư xông, thác khói để đốt. Nên đốt mỗi lần khoảng 60 – 90 phút, khi đốt nên mở hé cửa sổ phòng hoặc dùng máy lạnh để không khí được điều hòa. Không nên đốt khi đi ngủ để đảm bảo an toàn, hạn chế cháy nổ.
Tinh dầu thảo dược cũng là lựa chọn dùng để xông phòng. Dùng vài giọt tinh dầu với đèn xông hoặc nhỏ vào chậu nước nóng cũng giúp không gian được làm sạch, khử virus. Một số loại tinh dầu thích hợp để xông phòng như: Sả, sả chanh, quế, đinh hương, tràm trà, trầm hương, húng quế, xạ hương, hương nhu, vỏ bưởi, khuynh diệp, bạc hà…
Xông sạch không khí nơi ở là cần thiết nhưng không nên quá lạm dụng. Chỉ nên thực hiện xông cách ngày, chú ý an toàn cháy nổ và không gian xông quá kín hoặc quá thoáng gió.
Xông tắm thảo dược
Xông tắm thảo dược là phương pháp giúp thông kinh lạc, xả độc tố hiệu quả. Đặc biệt đối với bệnh nhân COVID-19, nên xông hơi thảo dược tương tự như phương pháp xông giải cảm dân gian. Đun nồi lá xông gồm: Sả, chanh, cúc tần, hương nhu, lá bưởi… xông khoảng 15 phút cho ra mồ hôi, sau đó chắt nước lá xông, pha thêm nước nóng sao cho nóng già (không quá nóng gây ra bỏng) để tắm. Nên xông tắm thảo dược cách ngày, những ngày còn lại nên tắm nước nóng, rất tốt cho việc đuổi tà khí ra ngoài.
Làm ấm vùng cột sống và mũi họng
Chườm làm ấm vùng cột sống là phương pháp giúp tăng sức khỏe, phòng chống bệnh rất tốt. Đường kinh Túc thái dương bàng quang đi dọc 2 bên cột sống. Thái dương kinh là nơi tà khí xâm nhập gây bệnh đầu tiên trước khi truyền bệnh sang kinh khác. Bởi vậy, tác động vào vùng sống lưng nơi kinh kinh túc thái dương bàng quang đi qua giúp phòng chống tà khí gây bệnh.
Phương pháp chườm ấm rất đơn giản, bệnh nhân có thể tự thực hiện, hàng ngày dùng gối thảo dược làm ấm nóng, đắp chườm vùng cột sống ngày 2-3 lần mỗi lần 15-20 phút. Ngoài ra có thể sao nóng một số loại dược liệu tươi như ngải cứu, cúc tần, đại bi, kinh giới, hương nhu với chút muối, bọc vào khăn bông, chườm cột sống như trên. Nếu chưa chuẩn bị được gối thảo dược hoặc các loại dược liệu có thể dùng máy sấy để tạo nhiệt, làm ấm nóng vùng cột sống để phòng bệnh. Với phương pháp này cần lưu ý về nhiệt độ, tránh để quá nóng gây bỏng da.
Làm ấm vùng mũi họng giúp tăng cường tuần hoàn tại chỗ, giúp chống lại tác nhân gây bệnh, giảm viêm nhiễm. Uống nước ấm ngày 3 lần vào sáng sớm, trước bữa ăn trưa và tối, có thể cho thêm gừng tươi, mật ong và nước cốt chanh để tăng hương vị và tác dụng làm ấm, tăng đề kháng. Làm ấm vùng mũi vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ bằng cách xoa hai bàn tay vào nhau cho ấm nóng và áp lên mũi, làm đi làm lại thao tác này 10 lần. Ngoài ra, dùng máy sấy để làm ấm vùng mũi cũng rất hiệu quả, mỗi ngày nên sấy vùng mũi 2 lần, mỗi lần từ 3-5 phút để phòng bệnh. Lưu ý, sau khi sấy, nhỏ mỗi bên mũi 3 giọt nước muối sinh lý để chống bị khô niêm mạc.
Tập thở, tập dưỡng sinh
Bệnh nhân mắc COVID-19 thường bị suy giảm chức năng hô hấp, bởi vậy cần phải tập thở, để cải thiện thông khí.
Tập thở, khí công, dưỡng sinh đặt tư tưởng “lấy khí làm gốc”, cần phải giữ vững nguyên khí để giữ gốc bền chắc, nâng cao chính khí, điều tiết âm dương thông qua điều tiết khí huyết, kinh lạc, tạng phủ.
Tập thở là pháp dưỡng sinh mang đến nhiều lợi ích, biến năng lượng tự nhiên thành năng lượng sinh học để điều tiết thần kinh, lưu thông khí huyết, chống lại bệnh tật, phục hồi tổn thương. Mỗi ngày nên dành 30 phút để tập thở để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh dịch và cải thiện chức năng hô hấp nếu có bệnh. Trong khí công dưỡng sinh thì thở 4 thì là kỹ thuật cơ bản, sau đây là phương pháp thở 4 thì:
- Thì 1: Hít vào từ từ bằng mũi, hít sâu, êm dịu kéo dài đến mức có thể chịu được (thường đếm từ 1 đến 5), đồng thời phình bụng ra. Lưu ý: Bụng và ngực phải căng lên cùng lúc.
- Thì 2: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào. Khi đó, cơ ức đòn chũm phải căng, các hõm ở cổ rõ rệt, bụng cứng.
- Thì 3: Thở ra từ từ, êm nhẹ tự nhiên không thúc ép, đồng thời bụng thót vào hết cỡ, thời gian bằng thì 1.
- Thì 4: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào. Lúc này cả ngực, bụng, tứ chi đều mềm, lép xuống và có cảm giác ấm nóng.
Có thể tập thở ở tư thế ngồi sen hoặc tư thế nằm ngửa, tốt nhất là nằm tư thế ngửa có kê mông bằng gối, chân thẳng 1 tay để lên bụng, 1 tay để lên ngực. Kết hợp với phương pháp xông phòng nói trên, khi tập thở có thể đốt nén thảo dược để tạo không gian thư giãn, tăng hiệu quả trị liệu.
Ngoài ra việc đi bộ loanh quanh phòng, tập các động tác thể dục nhẹ nhàng cũng giúp tăng cường sức khỏe, bệnh nhân nên dành khoảng 20 phút tập luyện thể chất với cường độ nhẹ và vừa.
Chế độ ẩm thực bổ sung gia vị thảo dược
Khi nấu ăn, bệnh nhân nên sử dụng các gia vị như tỏi, hành, gừng, sả, nghệ… để vừa giúp tăng hương vị, vừa hỗ trợ điều trị bệnh.
Mỗi bữa ăn chính nên ăn sống một số loại quả, rau thơm như kinh giới, tía tô, húng, diếp cá (khoảng 200g các loại), ½ quả ớt chuông và khoảng 10 quả cà chua bi để giúp bổ sung vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và hoạt chất kháng sinh chống viêm tự nhiên.
Về nước uống, bệnh nhân có thể thực hiện công thức nước uống sau để sử dụng mỗi ngày. Đây công thức nước uống dễ làm từ những gia vị có sẵn trong bếp để hỗ trợ phòng chống COVID- 19. Loại thức uống này người lớn, trẻ em đều có thể dùng được mỗi ngày.
Nguyên liệu: Gừng 50g, tỏi 50g, nghệ 50g, thì là 50g, nước cốt chanh 50ml, sả 50g, giấm táo 50ml, mật ong 200ml
Cách làm:
- Bước 1: Thái nhỏ các nguyên liệu gừng, tỏi, nghệ, thì là, sả; vắt chanh lấy 50ml nước cốt.
- Bước 2: Xay nhỏ các nguyên liệu đã thái với nước cốt chanh, giấm táo bằng máy xay sinh tố.
- Bước 3: Đổ hỗn hợp đã xay, mật ong vào nồi, đun nhỏ lửa cho đến khi sôi 5 phút. Sau đó để nguội.
- Bước 4: Lọc hỗn hợp lấy nước, đun sôi lại lần nữa. Sau đó đổ vào dụng cụ tiệt trùng (chai, lọ thủy tinh hoặc sứ).
Bảo quản: Đóng kín, dán tem nhãn (tên, ngày sản xuất) để ngăn mát tủ lạnh.
Công dụng: Tăng miễn dịch, kích thích tiêu hoá, làm ấm cơ thể, bổ sung các loại vitamin, ức chế virus, phòng tránh cảm cúm và làm sạch mạch máu.
Hãy làm sẵn loại nước uống này và chỉ việc sử dụng trong quá trình cách ly. Mỗi lần dùng 5ml, ngày dùng 3 – 4 lần. Có thể dùng ngay hoặc pha loãng với nước ấm.
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19