Cảnh báo khi chỉ số huyết áp ở hai cánh tay khác nhau
Chỉ số huyết áp của một cá nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đánh giá sức khỏe tổng thể: Chỉ số huyết áp là tiêu chí cơ bản không thể thiếu trong tất cả hồ sơ sức khỏe cá nhân, muốn có sức khỏe bình thường bắt buộc chỉ số huyết áp phải trong giới hạn bình thường; Người mắc tăng huyết áp đối diện nguy cơ cao đối với hàng loạt biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận... ngay cả khi bạn đang sở hữu một thân hình cân đối, cường tráng và tràn đầy năng lượng.
Cách xác định tăng huyết áp
Các hướng dẫn của các Hiệp hội Tăng huyết áp quốc tế hiện nay cũng quy định khi chỉ số huyết áp vượt quá 140/90 mmHg được chẩn đoán là tăng huyết áp. Chỉ số trước (trên) được gọi là huyết áp tâm thu hay huyết áp tối đa là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp, giúp đánh giá áp lực bơm máu của tim; chỉ số sau (dưới) gọi là chỉ số huyết áp tâm trương, hay huyết áp tối thiểu là áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra.
Các ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp theo từng cách đo (Bộ Y tế Việt Nam):
Cán bộ y tế đo theo đúng quy trình: huyết áp tâm thu > 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 90 mmHg.
Đo bằng máy đo HA tự động 24 giờ (trung bình 24 giờ): huyết áp tâm thu > 130 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >80 mmHg.
Tự đo tại nhà (đo nhiều lần): huyết áp tâm thu > 135 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >85 mmHg.
Để xác định chỉ số huyết áp chuẩn xác, bạn nên đo huyết áp ở tay nào?
Các hướng dẫn của các Hiệp hội Tăng huyết áp quốc tế hiện nay khuyên các nhân viên y tế đo huyết áp ở cả hai cánh tay cho người đến khám, kết quả chọn số đo nào cao hơn làm chỉ số huyết áp chính thức. Nhưng điều này có nhiều người hay bỏ qua.
Nên đo huyết áp ở cả hai tay và ghi lại để so sánh.
Nếu chỉ số huyết áp hai tay chênh trên 10 mmHg có vấn đề gì không?
Thường kết quả đo huyết áp hai cánh tay ít chênh lệch hoặc chênh không quá 10 mmHg là trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên từ lâu các nhà khoa học đã biết rằng sự chênh lệch huyết áp giữa hai cánh tay có liên quan đến kết quả sức khỏe kém hơn.
Một nghiên cứu mới đây đã có phát hiện chi tiết hơn về điều này. Nghiên cứu do Đại học Exeter, Anh quốc đã hợp nhất dữ liệu từ 24 nghiên cứu toàn cầu để tạo ra cơ sở dữ liệu của gần 54.000 người. Những người tham gia nghiên cứu đến từ châu Âu, Mỹ, châu Phi và châu Á, và tất cả đều có sẵn thông tin về kết quả đo huyết áp ở cả hai cánh tay. Thông tin này đã được theo dõi trong hơn 10 năm, bao gồm thống kê số người chết, cơn đau tim và đột quỵ đã xảy ra và ghi nhận trong quá trình nghiên cứu.
Nghiên cứu kết luận rằng, cứ mỗi mmHg chênh lệch là tăng thêm nguy cơ bị đau thắt ngực, cơn đau tim hoặc đột quỵ (dự đoán trong 10 năm tới). Sự chênh lệch huyết áp giữa hai cánh tay càng cao thì nguy cơ tim mạch càng lớn, vì vậy việc đo cả hai cánh tay thực sự rất quan trọng. Thông tin mới này có thể dẫn đến sự thay đổi các hướng dẫn quốc tế liên quan về bệnh tăng huyết áp, có nghĩa là có thể xác định được nhiều bệnh nhân có nguy cơ hơn.
Lời khuyên của bác sĩ
Kết luận, bạn nên đo huyết áp cả hai tay khi kiểm tra huyết áp của bản thân. Nếu có nhân viên y tế đo, trường hợp huyết áp hai tay chênh lệch trên 10 mmHg, bạn sẽ được tư vấn và tầm soát làm rõ thêm. Trường hợp bạn tự đo ở nhà, nếu thấy huyết áp hai tay chênh lệch trên 10 mmHg, bạn nên trao đổi sớm với bác sĩ để được tư vấn và phát hiện sớm các bất thường tiềm ẩn cũng như các nguy cơ về sức khỏe.
TS.BS. Lê Thanh Hải
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19