Bài thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh mạn tính, tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động... Bệnh lâu ngày gây tổn thương cơ bản sụn khớp và đĩa đệm cột sống.
1. Yếu tố nào dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ
Bệnh thoái hóa cột sống cổ hay gặp trên lâm sàng ở cả nam và nữ, từ 40 - 50 tuổi. Tuy nhiên hiện nay nguy cơ mắc bệnh đang dần trẻ hóa (từ 30 tuổi), bởi thói quen sinh hoạt cũng như lao động thiếu khoa học như:
- Ít vận động, rèn luyện thể lực.
- Chế độ ăn uống mất cân đối, thiếu các chất canxi, magie, vitamin D.
- Dư thừa cân nặng.
- Do đặc thù công việc: Ngồi máy tính liên tục nhiều giờ, hoặc mang vác vật nặng…
- Nằm và ngồi sai tư thế trong thời gian dài.
- Có tiền sử bị chấn thương vùng cổ.
- Do di truyền.
Nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ đang dần trẻ hóa do đặc thù công việc…
2. Các bài thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Theo Đông y, muốn kiềm chế quá trình thoái hóa đốt sống cổ, cần tiến hành bổ can thận, hoạt huyết hóa ứ, hành khí thông lạc, trừ thấp.
Tùy từng thể bệnh mà dùng bài thuốc phù hợp như sau:
2.1 Bổ can thận, trừ thấp giảm thoái hóa đốt sống cổ
Biểu hiện: Đau cứng gáy; quay, cúi xuống khó khăn; đau nhức từ gáy lan sang cổ, tai, đôi khi đau cả đầu, bả vai, cánh tay. Vận động nhiều thì đau nhiều có khi giật hoặc đau từng cơn, kèm theo tê mỏi vùng vai lan xuống tay, nằm nghỉ thì đỡ đau, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.
Dùng 1 trong số bài thuốc sau:
Bài 1: Thục địa 24g, sơn dược 9g, kỷ tử 9g, sơn thù 9g, phục linh 9g, chích cam thảo 5g, thỏ ty tử 12g, lộc giác giao 12g, quy bản giao 12g, ngưu tất 9g, đương quy 12g, xuyên khung 12g, bạch thược 12g, tiên linh tỳ 12g.
Bài 2: Đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, khương hoạt 8g, phòng phong12g, xích thược 12g, nghệ vàng 12g.
Bài 3: Đỗ trọng 10g, ngưu tất 12g, tục đoạn 12g, thục địa 16g, đương quy 12g, thanh bì 10g, ngũ gia bì 12g, sơn thù 8g, bạch linh 12g.
Cây và vị thuốc ngưu tất trong bài thuốc bổ can thận trừ thấp.
Cách dùng: Đổ ngập nước trên mặt thuốc 3cm, sau khi đun sôi, giữ sôi lăn tăn 20 phút; chắt ra uống dần thay nước, hết lại sắc lần thứ hai; mỗi thang có thể sắc 2-3 lần; uống trong ngày.
2.2 Hoạt huyết hóa ứ, hành khí thông lạc, trừ thấp
Biểu hiện: Gáy cứng, xoay chuyển khó khăn, đau nhức, có thể có những điểm đau dữ dội, chân tay tê dại, gân xương đau mỏi, lưỡi thâm tím, mạch trầm hoạt hoặc sáp.
Dùng 1 trong số bài thuốc sau:
Bài 1: Kinh giới 10g, phòng phong 12g, chỉ xác 8g, thanh bì 8g, khương hoạt 12g, độc hoạt 12g, tục đoạn 16g, đỗ trọng 16g, đương quy 12g, ngũ gia bì 16g, ngưu tất 16g, hồng hoa 10g.
Bài 2: Thục địa 12g, đương quy 12g, xích thược 12g, xuyên khung 10g, đào nhân 8g, hồng hoa 6g.
Cách dùng: Đổ ngập nước trên mặt thuốc 3cm, sau khi đun sôi, giữ sôi lăn tăn 20 phút; chắt ra uống dần thay nước, hết lại sắc lần thứ hai; mỗi thang có thể sắc 2 lần; uống trong ngày.
3. Kết hợp các bài thuốc đắp, chườm bên ngoài để hỗ trợ điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Bài 1: Lá ngải cứu trộn với muối sao nóng. Dùng khăn vải gói thuốc rồi chườm vào nơi tổn thương.
Bài 2: Lá lốt, lá cúc tần và mỗi thứ một nắm, giã nhỏ, trộn rượu sao nóng. Dùng miếng vải gói lại đem chườm tại chỗ.
Nên thực hiện 3- 4 lần/ngày, nhằm hạn chế tình trạng co cứng khớp cổ, tăng cường sự lưu thông máu đến vùng cổ, giúp giảm đau và các cử động vùng cổ vai gáy được dễ dàng hơn.
Tin nổi bật
- Bài tập tốt cho người bạch tạng
01/07/2024 - 09:57:44
- Biện pháp khắc phục chứng buồn ngủ ban ngày
28/06/2024 - 10:03:55
- Đi bộ có thể giúp giảm đau lưng?
27/06/2024 - 09:42:43
- 5 bài tập giúp tăng sức mạnh trí não
26/06/2024 - 14:51:43
- Quất hồng bì vào mùa, cách sử dụng đúng có lợi cho sức khỏe
24/06/2024 - 10:51:23
- Bài tập giảm triệu chứng cho người bệnh áp xe hậu môn
20/06/2024 - 10:16:19