Thuốc Nam chữa bỏng
Bỏng là tổn thương do nhiệt, hóa chất, điện năng, bức xạ, chủ yếu ở da, hoặc sâu tới cơ, gân, xương, khớp...
Đánh giá mức độ bỏng:
Bỏng nông: các tổn thương của bỏng có thể đến lớp trung bì, khi lành để lại sẹo xấu. Có trường hợp cần phải ghép da.
Bỏng sâu: tổn thương toàn bộ lớp da, tới lớp cân dưới da hoặc sâu hơn nữa. Tất cả những tổn thương này phải cần đến ghép da.
Việc phân loại bỏng nông, sâu rất quan trọng, để dự kiến kế hoạch điều trị và tiên lượng bệnh. Cần phải làm mát cái nóng đã nhập vào cơ thể, đồng thời phải khử độc, bồi phụ tân dịch, điều hòa khí huyết, bồi bổ âm dương, bồi dưỡng cơ thể, khôi phục tinh thần. Cần chữa bỏng như sau:
Làm se khô và tạo màng:
Sử dụng các dược liệu có tanin. Có tác dụng làm đông dịch vết thương, kết tủa protein và làm se khô niêm mạc tạo thành một màng vảy. Các dược liệu hay dùng là lá sim (dưới dạng cao đặc), vỏ cây xoan, trà (nước sắc đặc), lá tràm (cao hoặc nước tắm). Cao đặc được chuyển sang dưới dạng thuốc khô màu nâu mịn, tan nhanh trong nước nóng.
Cao khô hoặc bột được bôi lên vết thương bỏng sau khi đã xử lý vô khuẩn (rửa sạch, cắt bỏ vòm các nốt phồng, rửa vô khuẩn, thấm khô). Huyết tương thoát ra sẽ kết hợp với thuốc tạo thành một lớp màng che phủ vết thương. Khi khô, màng sẽ tự bong, không làm cản trở các động tác của người bệnh. Đây là phương pháp hở không cần băng, giảm đau đớn cho người bệnh và không có mùi hôi. Thời gian khỏi bệnh giảm ngắn được từ 2 - 5 ngày. Lưu ý không dược dùng cho các bỏng sâu, bỏng nhiễm trùng, bỏng vùng tầng sinh môn, đầu, mặt, cổ, khớp. Với các vết bỏng ở chu vi cánh, cẳng tay và chân, không nên bôi thuốc vòng quanh vì khi khô sẽ tạo thành garrot tĩnh mạch.
Làm rụng nhanh các hoại tử ở vết bỏng:
Mã đề: có tác dụng loại trừ tổ chức hoại tử. Kích thích tái tạo tổ chức. Ức chế sự phát triển của tụ cầu vàng, ít tác dụng với trực khuẩn mủ xanh. Dùng dưới dạng cao hoặc thuốc mỡ để bôi, nước ép để rửa.
Mã đề
Nghệ: đã từ lâu, củ nghệ được xem như một loại dược liệu có tác dụng kích thích tái tạo mô, làm nhanh liền sẹo, có tác dụng kháng khuẩn, loại trừ mô hoại tử.
Mủ đu đủ: dùng băng gạc thấm ướt bởi dung dịch 2 - 10% đắp lên vết bỏng làm rụng các hoại tử do tác dụng phân hủy của papain. Lưu ý làm ướt băng liên tục.
Quả dứa xanh: băm nhỏ hoặc giã ép lấy nước, đắp liên tục lên vết thương. Có tác dụng làm rụng các hoại tử do tác dụng của bromelin.
Ức chế vi khuẩn:
Vàng đắng: có hoạt chất là berberin... Sắc lấy nước ở nồng độ 0,2%. Có tác dụng với tụ cầu, Proteus, Enterobacter. Dùng gạc đắp lên vết thương bỏng.
Sài đất
Sài đất: dùng 100g cây tươi giã nát với một ít muối ăn, thêm 100ml nước dun sôi để nguội, vắt lấy nước chia 2 lần uống trong 24 giờ, bã dùng đắp lên vết bỏng.
Cây sến: dưới dạng thuốc mỡ Maducin, có tác dụng ức chế trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng, E. Coli, Proteus.
Tái tạo biểu mô:
Nghệ: tái tạo mô hạt tốt.
Rau má: tác dụng tốt đến quá trình tổng hợp collagen. Dùng trong dự phòng và chữa sẹo xơ, sẹo lồi, sẹo phì đại. Chế phẩm từ rau má có tên Madecassol.
Dầu mù u: có tác dụng ức chế vi khuẩn và giúp tăng quá trình sinh mô hạt mới.
Mật ong: có tác dụng tốt đến quá trình tái tạo vết bỏng.
BS. Ngô Văn Tuấn
Tin nổi bật
- Gừng có thể làm tăng tác dụng của thuốc tim mạch, huyết áp
25/10/2022 - 09:27:21
- 11 bài thuốc từ cây tía tô chữa bệnh thường gặp
21/10/2022 - 09:24:50
- Đương quy bổ máu, những trường hợp nào không nên dùng?
14/10/2022 - 10:53:10
- 12 loại thực phẩm, đồ uống tăng cường miễn dịch chống lại cảm lạnh
06/10/2022 - 10:13:16
- 9 cách tự nhiên ngăn ngừa cơn đau dạ dày
26/09/2022 - 10:28:12
- Không để lãng phí nguồn dược liệu quý hiếm vùng Tây Nguyên
26/09/2022 - 10:23:59