Thận trọng với bệnh liệt nửa mặt do thời tiết trở lạnh
Thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp khiến số lượng bệnh nhân đến khám chữa vì méo mồm, liệt mặt cũng gia tăng đáng kể tại một số bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Châm cứu Trung ương, có ngày lên tới 20 - 30 bệnh nhân đến khám.
Lạnh kéo dài, nhiều bệnh nhân nhập viện vì méo mồm, liệt mặt
Liệt nửa mặt hay còn gọi là méo miệng hoặc liệt thần kinh số 7 ngoại biên. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), liệt mặt ngoại biên là hội chứng tổn thương dây thần kinh số 7, làm giảm hoặc mất khả năng vận động các cơ ở mặt do dây thần kinh số 7 chi phối. Nghiên cứu cho thấy bệnh này khá phổ biến, với tỷ lệ khoảng 26/100.000 dân.
Bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nhưng thường gặp nhất ở người cao tuổi. Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây liệt mặt ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm lý (ngại giao tiếp) của người bệnh, gây khó khăn trong sinh hoạt và việc điều trị cũng gặp khá nhiều phiền phức, phải mất một khoảng thời gian nhất định và bệnh có thể tái phát.
Mới đây, Bệnh viện Châm cứu Trung ương tiếp nhận 5 ca liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 gây ra tình trạng liệt mặt, méo miệng. Đây là hệ quả của việc thời tiết chuyển lạnh đột ngột, rét đậm rét hại. Bệnh nhân chủ yếu là người lớn tuổi, trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ Dương Văn Tâm, bác sĩ Bệnh viện Châm cứu Trung ương, nhiều nguyên nhân dẫn tới liệt nửa mặt, méo miệng. Bao gồm: những bệnh lý về dinh dưỡng, nhiễm trùng thần kinh, chấn thương, tai nạn, đẻ non, đẻ yếu, đẻ ngạt… gây ra bại não, liệt, di chứng thần kinh, liệt về trí tuệ, ngôn ngữ vận động của trẻ nhỏ.
Hiện nay, những nguyên nhân phi truyền thống bắt đầu gây liệt ở trẻ, điển hình là ung thư. Đặc biệt, vào mùa đông, thời tiết rét đậm, rét hại, cơ thể không được bảo vệ đủ ấm, người dân đi sớm về khuya… dễ bị nhiễm gió lạnh sẽ dẫn tới méo miệng, liệt nửa mặt.
Khi bị liệt nửa mặt do lạnh, cần nhanh chóng đến khám ở bệnh viện, tốt nhất là khám ở bệnh viện đông y. Bởi vì liệt dây thần kinh số 7 do lạnh là một bệnh lành tính và thường được chữa khỏi hoàn toàn khi đến viện khám, điều trị sớm. Đến viện muộn hoặc khám ở những nơi không có chuyên môn về y học chữa trị, bệnh có thể sẽ không khỏi và rất dễ để lại những di chứng về thẩm mỹ do mặt không thể trở về được như bình thường, nguy hiểm hơn là gây biến chứng loét giác mạc ảnh hưởng xấu đến tầm nhìn và có thể gây mù lòa. Tại các bệnh viện sẽ được điều trị kết hợp tây y (vitamin B1 liều cao, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt...) và châm cứu đông y.
Để hạn chế mắc liệt nửa mặt, điều quan trọng nhất là tránh gió lạnh đột ngột. Vì vậy, buổi tối trước khi đi ngủ, cần đóng kín cửa để tránh gió lùa và không để khí lạnh ở ngoài tràn vào phòng ngủ. Lúc ngủ, cơ thể phải được giữ ấm từ đầu đến chân. Có thể dùng máy điều hòa nóng, nhất là có trẻ nhỏ và người cao tuổi (tránh dùng bếp củi, bếp than sẽ rất dễ ngộ độc khí CO).
Người có tuổi, có bệnh về thận, bệnh đái tháo đường, nên để sẵn một chiếc mũ ấm và một áo khoác ấm hoặc một chiếc chăn nhỏ, khi tỉnh dậy đi tiểu cần đội mũ, khoác áo ấm hoặc khoác chăn để tránh lạnh đột ngột. Khi ra khỏi nhà, cần được mặc ấm cơ thể, nên đeo khẩu trang rộng có 2 lớp để vừa giữ ấm cho mặt, mũi còn có giá trị che bụi bẩn.
Phương Thu
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02