Nhiều người Việt mắc bệnh tiêu hóa
Khoảng 70% người Việt có nguy cơ mắc bệnh về đường tiêu hóa do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP).
Bệnh về đường tiêu hóa đứng top đầu trong các bệnh nội khoa tại Việt Nam. Số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa hiện lên đến gần 10% dân số, từ nhẹ như táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng đến nặng hơn như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư...
"Số bệnh nhân đang có xu hướng tăng cao do ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm và thói quen ăn uống, làm việc, sinh hoạt thiếu khoa học...", Giáo sư Đào Văn Long, Viện nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật Việt Nam, cho biết tại Hội nghị khoa học Thiết lập mạng lưới Microbiome toàn cầu, ngày 29/9.
Giáo sư Hidemi Goto (Nhật Bản) cũng cho biết, bệnh viêm đường ruột (IBD) đang gia tăng nhanh ở châu Á. Trước đây, bệnh lý này xuất hiện nhiều tại các nước châu Âu nhưng giờ là một bệnh lý gia tăng tại các nước châu Á. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen ăn uống của người bệnh, sử dụng thực phẩm từ thịt nhiều khiến mất cân bằng dinh dưỡng.
"Người dân ăn nhiều hơn, nhiều chất, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều cholesterol, lại sử dụng rượu, bia, chất kích thích...", Giáo sư Hidemi Goto nói.
Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ước tính năm 2018 Việt Nam có hơn 14.000 người mắc mới ung thư đại trực tràng và hơn 7.000 trường hợp tử vong vì bệnh này. Ung thư dạ dày cũng đứng thứ 3 tại Việt Nam sau ung thư gan, ung thư phổi.Hệ tiêu hóa trong cơ thể người dài khoảng 7,5m, đi qua nhiều bộ phận như khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột, gan, tuyến tụy, túi mật... và có nhiều chức năng quan trọng như chứa thức ăn, tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng, đào thải. Các bệnh về tiêu hóa hiện ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Song, nhiều người vẫn thờ ơ, chưa điều trị kịp thời và dứt điểm, dễ gây ra những biến chứng nặng, thậm chí ung thư.
Theo ông Long, hệ tiêu hóa của người có rất nhiều vi sinh vật, các vi khuẩn, lợi khuẩn, nấm... được gọi chung là microbiota với số lượng lên tới trên 100 triệu tỷ, nghĩa là lớn hơn rất nhiều so với tổng số lượng các tế bào trong cơ thể. Nếu có một cách nào đó kết nối các vi sinh vật này với nhau thì chiều dài của chúng sẽ vượt quá 2,5 lần chu vi quả đất.
Thành phần và sự thay đổi của hệ vi sinh đường ruột rất quan trọng đối với sức khỏe và bệnh tật của con người trong đó có bệnh lý đường tiêu hóa. Việc đưa lợi khuẩn can thiệp trực tiếp vào trong cách thức điều trị của một số bệnh về tiêu hóa là một phương pháp hiệu quả để kiểm soát các bệnh lý này.
Hiện, Việt Nam đã đưa vi khuẩn chí đường ruột (microbiom) vào can thiệp một số bệnh lý như loét dạ dày tá tràng. Ngoài sử dụng thuốc ức chế axit và kháng sinh, việc bổ sung vi khuẩn lợi khuẩn trong điều trị bệnh này đã làm giảm tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Microbiom cũng được sử dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh tiêu chảy.
Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật Việt Nam đang hợp tác với Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia Mỹ để nghiên cứu về vi khuẩn đường ruột ở nhiều vị trí tiêu hóa khác nhau. Mục đích để xác định các chủng vi sinh vật chủ yếu của từng loại bệnh, giúp sử dụng các lợi khuẩn trúng đích.
Lê Nga
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42