Ghép xương từ người hiến chết não cứu chân bệnh nhân bị u tế bào khổng lồ
Nhiều người bệnh trong độ tuổi lao động bị mắc u tế bào khổng lồ gây tiêu hủy xương đứng trước nguy cơ tàn phế do phải cắt cụt chân đã được ghép xương và khối sụn của người hiến chết não.
Mảnh xương từ người hiến chết não trước khi được ghép cho bệnh nhân
Trong một lần đứng trên bục giảng, cô giáo N.T.Q (36 tuổi ở Việt Yên, Bắc Giang) bất ngờ đau nhói và quỵ ngã tại chỗ.
Đến bệnh viện thăm khám, bệnh nhân được phát hiện mắc căn bệnh u xương tế bào khổng lồ giai đoạn muộn. Tại thời điểm đó khối u đã "ăn" hết khối lồi cầu ngoài xương đùi, sau khi mổ lấy u và ghép xi măng xương tạm thời, bệnh nhân Q. không thể đi lại được bình thường. Do khối u "ăn" rất nhiều xương nên giải pháp duy nhất lúc đó là cô Q. phải thay khớp gối loại đặc biệt. Nếu sang Singapore thay khớp, chi phí khoảng 1 tỉ đồng hoặc chờ đợi thay khớp gối trong nước với chi phí khoảng 300 triệu đồng nhưng chưa biết lúc nào mới nhập loại khớp đó về được.
Trước đó, đã có bệnh nhân mắc bệnh như bệnh nhân này đi nước ngoài mổ với chi phí đó, sau thất bại phải cắt cụt chân. Bệnh nhân phải ngừng công việc giảng dạy, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.
Theo tiến sĩ- bác sĩ Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chi dưới, Bệnh viện Việt Đức, khối lồi cầu xương đùi là một phần quan trọng của khớp gối, có vai trò chịu lực chính của cơ thể. Mặc dù u tế bào khổng lồ là bệnh lành tính nhưng hay tái phát (tỉ lệ từ 10-50%). Bệnh lại hay gặp ở phần xương dài như: chân, tay và đặc biệt ở lồi cầu xương đùi chiếm tới 50% các trường hợp, gây tiêu huỷ xương khiến cho bệnh nhân không đi lại được, thậm chí là tàn phế. Đồng thời bệnh lại hay gặp ở lứa tuổi lao động (30 - 40 tuổi) gây ảnh hưởng đến toàn xã hội. Việc điều trị rất khó khăn do người bệnh thường đến muộn, khối u "gặm nhấm" phần lớn xương vùng khớp gối, người bệnh sau điều trị nhiều lần vẫn rất khó trở về cuộc sống bình thường, kể cả việc thay khớp gối loại đặc biệt rất đắt tiền.
Bệnh nhân hồi phục tốt sau phẫu thuật ghép xương và khối lồi cầu kèm sụn (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)
Biết được hoàn cảnh của bệnh nhân Q., sau một thời gian dài chờ đợi không có khớp để thay, tiến sĩ-bác sĩ Tùng đã quyết định sử dụng khối lồi cầu kèm sụn từ nguồn bệnh nhân tai nạn và chết não hiến tặng, ghép cho bệnh nhân, cho bệnh nhân một cơ hội được trở về với cuộc sống bình thường. "Khối xương lồi cầu đùi kèm sụn sau khi được loại trừ vi khuẩn, virus và tế bào, bảo quản lạnh ở nhiệt độ âm 85 độ C, đem ghép cho nữ bệnh nhân nói trên. So với việc thay khớp gối nhân tạo, việc ghép xương đồng loại này được đánh giá sẽ tốt hơn rất nhiều, đồng thời giúp giảm chi phí điều trị xuống còn khoảng 25 - 30 triệu đồng (thấp hơn khoảng 10 lần thay khớp nhân tạo loại đặc biệt).
Bệnh nhân đi lại tốt sau 6 tháng phẫu thuật ghép xương, đên thời điểm này mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường
Bác sĩ Tùng chia sẻ: "Khi ghép cho bệnh nhân này chúng tôi cũng nghĩ đến tình huống xấu là vùng sụn ghép từ nguồn của người chết não có thể sẽ không sống được mà chỉ có phần xương sẽ hoà hợp với cơ thể mới. Nhưng như thế bệnh nhân vẫn chấp nhận và chúng tôi cũng thấy rằng cho dù cơ thể chỉ đáp ứng đồng hóa một phần xương ghép thì bệnh nhân vẫn có lợi, được cung cấp nền xương để thay khớp gối thông thường với chi phí khoảng 50 triệu đồng. May mắn, toàn bộ xương và sụn ghép đã "sống" trong cơ thể mới. Sau 6 tháng phẫu thuật bệnh nhân đã đi lại rất tốt và đến thời điểm này, sau 3 năm theo dõi liên tục, khối u không tái phát, xương và sụn ghép phát triển tốt bệnh nhân đi lại, làm việc, chạy gần như bình thường".
Cùng với bác sĩ Đoàn Việt Quân, Trưởng Khoa Phẫu thuật chi dưới, cho đến nay các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã ghép được cho 8 bệnh nhân với tiến triển tốt, 7 bệnh nhân đi lại được bình thường, 1 bệnh nhân sau hơn 2 năm khối xương liền rất ít nhưng phần sụn khớp hồi phục kém nên theo bác sĩ Tùng, tới đây, bệnh nhân sẽ ghép thêm sụn để điều trị tiếp. "Với tỉ lệ thành công 7/8 bệnh nhân sau 3 năm phẫu thuật là một kết quả rất cao trong y học. Do ưu thế của xương sụn đồng loại là không phải dùng thuốc chống thải ghép, sau một thời gian đồng hóa và tái cấu trúc, xương thành của bệnh nhân, không mang dấu ấn của người cho nên nhu cầu vật liệu gân, xương đồng loại là rất lớn. Nhưng nguồn cung rất ít, hiện đang có rất nhiều bệnh nhân bị u tế bào khổng lồ phải ghép xi măng xương tạm thời chờ ghép xương"- bác sĩ Tùng chia sẻ.
Bác sĩ Trần Hoàng Tùng khuyến cáo bệnh u tế bào khổng lồ rất hay gặp ở độ tuổi lao động nên nếu thấy đau ở vùng xương nhất là vùng khớp gối nên đi chụp phim X-quang và khám các bác sĩ chuyên khoa sớm để phát hiện khối u ở giai đoạn đầu. Với trường hợp này khi mổ lấy khối u, việc ghép xương sẽ dễ dàng hơn, bệnh sẽ tiến triển tốt hơn. |
Ngọc Dung
Tin nổi bật
- Bé trai 9 tuổi bị mất 4 ngón tay do nghịch pháo nổ
14/02/2021 - 21:35:12
- Cứu sống bé trai 2 tuổi ở Nghệ An bị chó nhà cắn rách mặt
22/12/2020 - 09:04:46
- Vá hàm ếch miễn phí cho 60 trẻ dị tật
15/12/2020 - 09:29:53
- 2 ê kíp cùng thực hiện kỹ thuật vi phẫu nối bàn tay và cổ chân đứt
10/12/2020 - 09:19:06
- Người đàn ông bị đứt lìa bàn chân khi cắt cỏ
05/12/2020 - 09:51:19
- TPHCM: Nối thành công cánh tay bị đứt lìa cho bệnh 8 tuổi
03/12/2020 - 08:47:50