Hôm nay (27.10), phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD), cho biết: Cụ bà V.T.S (105 tuổi, ngụ TP.HCM) bị thoái hóa khớp gối khiến đi lại khó khăn. Trong khi đi lại trong nhà, bà trượt chân té ngã khiến mông và lưng đập xuống sàn, đau đớn, không cử động được.
Qua thăm khám và chụp X-quang, các bác sĩ cho biết bà bị gãy cổ xương đùi trái trên nền bệnh thoái hóa khớp gối. Bà S. còn mắc nhiều bệnh mạn tính như tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hạ natri máu, xơ phổi và tăng áp phổi.
Theo bác sĩ Khanh, nếu không thay khớp, bệnh nhân sẽ phải nằm tại chỗ vì đau nhức, không xoay trở được gây hạn chế trong ăn uống, tiểu tiện, đại tiện và khó khăn cho người chăm sóc.
“Việc phải nằm tại chỗ, không chủ động trong sinh hoạt dễ gây các biến cố về hô hấp, tuần hoàn và suy thận, như nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng tiểu, viêm loét da vùng tì đè… dẫn đến tử vong”, bác sĩ Khanh đánh giá.
Vì vậy, với sự đồng ý của gia đình, bệnh nhân đã được thay khớp háng bán phần bên trái và thay khớp gối. Đồng thời, bác sĩ cũng điều trị, kiểm soát các bệnh nội khoa để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.
Ngày đầu tiên sau mổ thay khớp háng bán phần, bệnh nhân đã có thể tự ngồi dậy xoay trở. Hai tuần sau, khi chuẩn bị cho ca phẫu thuật thay khớp gối, bệnh nhân đột ngột xuất hiện triệu chứng đau dưới sườn phải, sốt cao, vàng da. Các bác sĩ phát hiện bà bị sỏi đường mật biến chứng, nếu không can thiệp kịp thời có nguy cơ nhiễm khuẩn nặng gây tử vong.
Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi lấy sỏi mật thành công. Sau 1 tuần, bà tiếp tục được thực hiện phẫu thuật thay khớp gối trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Hiện tại, bà S. đã có thể đi đứng trở lại, tình trạng sức khỏe ổn định sau 4 tuần phẫu thuật và được xuất viện.
Theo bác sĩ Khanh, đây là một trong những trường hợp người bệnh cao tuổi nhất tại Việt Nam được thực hiện cả phẫu thuật thay khớp háng và khớp gối. Trước đây, những phẫu thuật lớn như thế này thường được chống chỉ định đối với người lớn tuổi vì có nguy cơ xảy ra nhiều tai biến.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh khuyến cáo: Té ngã là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người cao tuổi. Khi té ngã, người cao tuổi rất dễ gãy xương do tình trạng lão hóa, mật độ xương thấp. Do đó, cần bổ sung canxi trong chế độ ăn cho người lớn tuổi, tăng cường tập luyện thể thao và khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa nguy cơ loãng xương.
Trong trường hợp người cao tuổi bị gãy xương cần nhanh chóng cố định vùng bị gãy và đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp - chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Nguyên Mi
Link nguồn: