Loãng xương 'phủ sóng' đến người trẻ
Loãng xương khiến người bệnh đau đớn, mệt mỏi kéo dài, có thể dẫn đến gãy xương, tăng nguy cơ tàn phế và tử vong, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Các bác sỹ Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vừa tiếp nhận trường hợp chị T.T.X mới 38 tuổi đã phải nhập viện do đau lưng nhiều và khó đi lại do gầy yếu, suy kiệt, teo cơ tứ chi. Các bác sĩ chẩn đoán chị X. bị loãng xương nặng, gãy xẹp nhiều đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng và đái tháo đường, suy thượng thận do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc có chứa corticoids.
Cách đây 4 năm chị X đã điều trị lupus ban đỏ với triệu chứng đau các khớp và nổi ban ở vùng mặt kèm theo loét miệng, rụng tóc. Chị X đã được bác sĩ kê toa và dặn đi tái khám. Tuy nhiên, vì thấy thuốc hiệu quả nên chị cầm toa thuốc mua uống dài hạn mà không tái khám. Thời gian gần đây chị thấy đau vùng lưng nhiều kèm ăn uống kém, sụt cân, mất ngủ.
Qua một thời gian khá dài điều trị và giảm, cắt liều corticoids cũng như điều trị bệnh loãng xương – đái tháo đường chị X giảm đau nhiều, đường huyết ổn định, cân nặng cải thiện, xương không gãy thêm.
Trường hợp loãng xương đang được điều trị - Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
BS. Cao Thanh Ngọc, Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết loãng xương ở người trẻ là loãng xương thứ phát. Người trẻ bị loãng xương do nhiều nguyên nhân như bệnh lý nội tiết, bệnh thận mạn tính, những bệnh mạn tính về khớp hoặc bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp, hoặc hội chứng kém hấp thu, sử dụng các loại thuốc làm mất xương như: corticosteroid, thuốc chống co giật…
Bên cạnh đó, nhiều người trẻ lười vận động, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá… các bạn nữ lại thích ăn kiêng, có thói quen che chắn quá kỹ mỗi khi ra ngoài nên da không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dẫn đến bị thiếu vitamin D trầm trọng. Tất cả những yếu tố này làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, trao đổi chất của cơ thể, cũng như làm mất cân bằng giữa quá trình tạo xương, hủy xương và có thể dẫn đến loãng xương.
Loãng xương gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến người bệnh đau đớn, mệt mỏi kéo dài, có thể dẫn đến gãy xương, tăng nguy cơ tàn phế và tử vong, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.
BS Ngọc cho biết thêm, việc điều trị loãng xương không quá khó khăn. Quan trọng là người bệnh cần kiên nhẫn vì điều trị loãng xương là điều trị lâu dài và liên tục. Bên cạnh đó loãng xương là một bệnh có thể phòng ngừa được nếu được quan tâm hợp lý.
Người dân cần cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe, thường xuyên vận động và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cũng như hạn chế những thói quen hút thuốc, uống rượu bia, uống thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tự ý mua thuốc uống… để có một hệ xương khỏe mạnh, vững chắc.
Theo: Bích Huệ - news.zing.vn
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03