Lựa chọn thuốc phòng loãng xương sau mãn kinh
Tôi 55 tuổi, có nghe một người bạn nói, có thể dùng thuốc có tên raloxifen để phòng loãng xương sau mãn kinh.
Vậy đó là thuốc gì? Tôi có nên dùng không? Hay có cách nào để phòng ngừa tình trạng này? Tôi xin cảm ơn.
Trần Thị Hoa (Thanh Hóa)
Mãn kinh cũng là thời kỳ biến đổi sinh lý quan trọng trong cơ thể phụ nữ, đồng thời cũng làm phát sinh nhiều loại bệnh tật, trong đó có loãng xương. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sau mãn kinh, lượng estrogen - nội tiết tố của buồng trứng thiếu hụt trầm trọng, tốc độ mất xương diễn ra nhanh. Bên cạnh đó, tình trạng giảm tiết hormon cận giáp, tăng tiết canxi qua thận và giảm hấp thu canxi ở ruột làm giảm nồng độ canxi trong máu. Khi nồng độ canxi trong máu giảm xuống, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách lấy canxi trong xương để bù đắp. Cứ như vậy, cuối cùng sẽ dẫn tới tình trạng hủy xương nhiều hơn tạo xương và dẫn tới loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
Raloxifen mà bạn nói đến ở đây là thuốc có tác dụng giống estrogen ở một số mô xương và là một trong những thuốc được dùng để dự phòng và điều trị loãng xương sau thời kỳ mãn kinh. Thuốc làm chậm sự mất xương và giúp giữ cho xương chắc khỏe, giúp xương ít bị gãy, nhưng không nên sử dụng thuốc này trước khi mãn kinh. Khi dùng thuốc có thể gây một số tác dụng phụ cần lưu ý như cục máu đông (chẳng hạn như đau/sưng/đỏ/ấm đột ngột ở chân hoặc cánh tay, đau ngực, khó thở, ho ra máu), thị lực đột ngột thay đổi như mờ mắt/mất thị lực, dấu hiệu của đột quỵ (chẳng hạn như yếu ở một bên của cơ thể, khó nói)... Đây là thuốc cần phải được dùng theo đơn và theo dõi của bác sĩ nên người bệnh không được tự ý mua dùng hoặc dùng theo mách bảo.
Để phòng loãng xương sau mãn kinh, trước tiên chị nên dùng các biện pháp không dùng thuốc như tập thể dục (để duy trì sự mềm dẻo của cơ bắp, cơ lực và sự cân bằng); cần cung cấp đầy đủ lượng canxi và vitamin D cho cơ thể qua thực phẩm (nếu có thể). Ngoài ra, có thể bổ sung bằng thuốc (theo chỉ định của bác sĩ) để khắc phục tình trạng thiếu canxi và vitamin D ở lứa tuổi này; cuối cùng mới dùng đến các thuốc điều trị loãng xương đặc hiệu như raloxifen hay biphosphonat...
Do loãng xương là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ mãn kinh nên người bệnh cần thăm khám định kỳ ở giai đoạn này nhằm phát hiện sớm để ngăn ngừa và điều trị kịp thời nhằm giảm tỷ lệ loãng xương và nâng cao chất lượng cuộc sống ở phụ nữ mãn kinh.
DS. Thu An
Tin nổi bật
- Dùng thuốc tránh thai dạng viên gây tăng cân, cách nào khắc phục?
13/10/2022 - 09:30:31
- Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
04/10/2022 - 09:35:50
- Cảnh giác nguy cơ tự tử khi dùng thuốc trị tăng động giảm chú ý
04/10/2022 - 09:29:49
- 12 tác dụng phụ do hóa chất điều trị ung thư và cách xử trí
03/10/2022 - 09:26:49
- Bỏ ngay 10 thói quen xấu này vì nó gây hại cho bạn
29/01/2021 - 15:36:43
- Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
28/01/2021 - 14:48:48