Người bị tăng huyết áp cần làm gì để tránh đột quỵ, tai biến?
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân nhân chính gây tử vong hoặc tàn phế trong số các bệnh lý tim mạch. Để tránh đột quỵ, người bị tăng huyết áp cần chú ý chế độ dinh dưỡng, tập luyện.
Ngày càng nhiều người trẻ bị tăng huyết áp. Ảnh minh họa
Bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng
GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, tăng huyết áp đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do lối sống của người dân chưa hợp lý, họ hút thuốc lá, thuốc lào, ăn mặn, bị stress nhiều, thời gian thư giãn, nghỉ ngơi ít…
Điều đáng nói là bệnh tăng huyết áp có thể gây ra biến chứng nguy hiểm lên mắt, não, tim, thận, mạch máu lớn... khiến người bệnh mắc một số căn bệnh như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, phình tách động mạch...
Bệnh thường diễn biến âm thầm nhưng hậu quả rất nặng nề, vì vậy nếu được theo dõi và điều trị đúng sẽ tránh được các tai biến, biến chứng của bệnh, từ đó giữ được sức khỏe, sức lao động và tuổi thọ cho người bệnh.
Giáo sư Việt cũng cho biết thêm, ở nước ta, số người bị bệnh tăng huyết áp được điều trị đúng và đầy đủ còn rất thấp, số người tử vong do bệnh tăng huyết áp ngày càng cao. Đa số người bệnh chưa có sự hiểu biết về bệnh, về các hậu quả nghiêm trọng của nó, nên chưa có thái độ đúng với bệnh.
Nguyên tắc chung trong điều trị tăng huyết áp là phải phối hợp thay đổi lối sống và kiểm soát huyết áp mục tiêu ở mức dưới (thấp hơn) 140/90 mmHg; những bệnh nhân mắc kết hợp đái tháo đường hoặc suy tim, suy thận phải kiểm soát huyết áp với huyết áp mục tiêu thấp hơn 130/80 mmHg.
Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vấn đề ăn uống và tập luyện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong điều trị và phòng ngừa biến chứng của bệnh. Người bị tăng huyết áp cần duy trì chế độ ăn uống và tập luyện như sau:
Chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi
Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15 g/ngày, trong đó có tới 10 g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên; vì vậy chỉ nên bổ sung thêm 5 g muối (tức 01 muỗng cà phê muối ăn/ngày) là đủ. Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp.
Để làm giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp, ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, cũng cần hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn. Chú ý với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao.
Tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít chất béo; giảm các loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần
Nên ăn 3 bữa một ngày, trong đó khoảng một nửa thực phẩm là chất bột, rau xanh, trái cây. Không dùng nhiều mỡ và chất ngọt. Cố gắng ăn các thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan như: đậu xanh, đậu hạt các loại. Hàng ngày nên ăn thêm các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua...
Đặc biệt, những người bị tăng huyết áp nên ăn nhiều cá, giảm các loại thịt đỏ, nội tạng động vật vì các thực phẩm này có hàm lượng mỡ bão hòa cao, là nguồn gốc phát sinh ra các chứng xơ vữa.
Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như: hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân.
Ngoài ra, các chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lứt, bắp lứt, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và giúp hạ huyết áp.
Bỏ hút thuốc, uống rượu để giảm biến chứng của bệnh tăng huyết áp. Ảnh minh họa
Bỏ các thói quen xấu có hại
Nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên quan chặt chẽ giữa rượu và huyết áp. Uống nhiều rượu là yếu tố gây tăng huyết áp, vì vậy cần phải hạn chế uống nhiều rượu, bia.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy, uống một lượng nhỏ rượu sẽ tốt cho tim mạch. Nam giới mỗi ngày không uống quá 2 ly nhỏ, tương đương 30 ml ethanol (tức khoảng 330 ml bia hay 120 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky). Đối với phụ nữ và người nhẹ cân, lượng rượu nên uống chỉ bằng một nửa nam giới.
Thói quen hút thuốc lá, thuốc lào rất có hại cho sức khỏe. Ngừng hút thuốc là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh tăng huyết áp, các bệnh tim mạch và các bệnh khác.
Để giữ cơ thể khỏe mạnh, tránh những biến chứng nguy hiểm, người bị tăng huyết áp cần phải ăn nhạt, hạn chế ăn các thức ăn chế biến sẵn, hạn chế chất béo, đồ ngọt; không uống rượu bia, không hút thuốc lá; tăng cường ăn rau quả xanh, trái cây. Nếu người bị tăng huyết áp và thừa cân thì phải thực hiện chế độ ăn giảm calo, điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý.
Thường xuyên vận động, thể dục thể thao
Thường xuyên luyện tập thể thao sẽ giúp điều hòa lượng cholesterol máu, kiềm chế quá trình xơ vữa động mạch, làm giãn và tăng tính đàn hồi của các mạch máu trong các cơ hoạt động và giảm sức cản máu ngoại biên, từ đó giúp giảm huyết áp.
Tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người mà có thể tập đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ hay tập luân phiên giữa đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ.
Nguyên tắc tập luyện chung là thường xuyên, liên tục và nâng dần tốc độ hoặc thời gian tập. Khi tập luyện bắt đầu cho ta cảm giác dễ chịu, cần tăng dần thời gian chạy đến 20 - 30 phút/ngày. Để đạt được hiệu quả tốt, cần phải tập chạy thường xuyên hàng ngày.
Bên cạnh việc ăn uống, tập luyện lành mạnh, người bị tăng huyết áp cần duy trì dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của thầy thuốc.
Bởi bệnh tăng huyết áp là bệnh mạn tính, phải điều trị suốt đời để duy trì huyết áp ở mức ổn định, tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. Người bệnh tuyệt đối không nên dừng thuốc kể cả khi thấy sức khỏe dần ổn định.
L.Minh
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39