Buồn nôn và những triệu chứng của bệnh lý tiềm ẩn
Buồn nôn là cảm giác khó chịu ở bụng trên hay trong họng và thường kèm theo nôn. Buồn nôn có thể do tác dụng phụ của thuốc hoặc là triệu chứng của bệnh lý tiềm ẩn nào đó.
Chứng đau nửa đầu
Chứng đau nửa đầu thường đi kèm với buồn nôn, nôn mửa và nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Các chuyên gia tin rằng chất serotonin trong não đóng vai trò quan trọng. Serotonin gửi tín hiệu đến các mạch máu trong não, đôi khi có thể kích hoạt một phần não gây buồn nôn và nôn. Một giả thuyết khác là chứng đau nửa đầu ảnh hưởng đến một phần của não có liên quan đến rối loạn tai trong, do đó có mối tương quan mạnh với chóng mặt và triệu chứng buồn nôn. Để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu, bạn nên tránh những nguyên nhân gây đau nửa đầu như căng thẳng, ánh sáng mạnh, mùi mạnh, thiếu ngủ và thiếu dinh dưỡng.
Lo lắng
Sự lo âu có thể làm tăng sự kích hoạt hệ thống thần kinh tự trị. Khi đó, nhiều máu chảy vào cơ bắp thay vì các cơ quan tạo nên hệ thống tiêu hóa, gây buồn nôn. Các hormone kích thích như cortisol, epinephrine, và những loại khác cũng bị đổ vào máu, làm tăng số lượng các cơn co thắt trong dạ dày, tạo ra cảm giác khó chịu. Để tránh những cơn buồn nôn là kiểm soát sự lo lắng. Bạn có thể thực hiện các kỹ thuật thư giãn, tập thể dục hoặc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.
Mất nước
Mất nước xảy ra khi cơ thể không có đủ nước để thực hiện các quá trình bình thường. Khi ít chất lỏng tuần hoàn trong cơ thể, cơ thể sẽ gửi tín hiệu đến các cơ quan quan trọng nhất là não và tim. Điều này có thể làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan của đường tiêu hóa gây buồn nôn và đau bụng. Để giảm tình trạng này, bạn nên uống đủ nước, nhất là trong những ngày hè nắng nóng để bù lại nước bị mất qua đổ mồ hôi.
Lượng đường trong máu quá thấp
Hormone hoạt động để điều chỉnh lượng đường trong máu. Nhưng nếu lượng đường trong máu bắt đầu giảm quá thấp (được gọi là hạ đường huyết), một số hormone (như glucagon và epinephrine) tăng đột biến để giúp cơ thể sản sinh ra nhiều glucose hơn. Khi điều này xảy ra, dạ dày có thể tạo ra cảm giác buồn nôn.
Để giữ cho lượng đường trong máu ổn định, khoảng cách giữa các bữa ăn rất quan trọng. Để ngăn ngừa tình trạng hạ đường huyết, bạn nên ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên trong ngày. Cân đối các thành phần trong bữa ăn gồm protein nạc, chất béo, carbohydrate và mỗi bữa nên ăn cách nhau 3-4 giờ.
Trào ngược axit dạ dày
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây buồn nôn do trào ngược axit dạ dày lên và ra khỏi dạ dày vào thực quản dưới, ống nối miệng và dạ dày. Axit này có thể làm hỏng lớp lót thực quản khiến bạn cảm thấy buồn nôn. Các triệu chứng phổ biến khác của trào ngược axit bao gồm đau ngực, ợ nóng, khó nuốt thức ăn, hoặc cảm thấy như có một cục u trong cổ họng.
Để hạn chế tình trạng này, bạn không nên ăn quá no, tránh hút thuốc, uống quá nhiều caffeine hoặc rượu. Bạn cũng nên tránh ăn các thức ăn cay, béo hoặc có tính axit bởi chúng có thể làm các triệu chứng liên quan đến trào ngược axit tồi tệ hơn. Tốt nhất nên đứng thẳng trong ít nhất 30 phút sau bữa ăn.
Loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày - phổ biến nhất là do nhiễm trùng từ vi khuẩn H.plyori - xảy ra khi axit thâm nhập sâu vào niêm mạc dạ dày gây ra vết loét. Điều này có thể dẫn đến đau dạ dày, đầy hơi, ợ nóng và buồn nôn. Để chữa lành vết loét, bạn cần sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc làm chậm quá trình sản xuất axit dạ dày. Bạn cần tránh các loại thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen và naproxen) và steroid vì chúng có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng. Đồ uống có cồn, hút thuốc và thức ăn cay cũng có thể làm cho các triệu chứng dạ dày tồi tệ hơn.
Dị ứng
Cùng với mắt chảy nước, cổ họng ngứa và hắt hơi liên tục, dị ứng theo mùa khiến chất nhầy dư thừa trong mũi chảy xuống cổ họng thay vì ra khỏi lỗ mũi. Điều này có thể dễ dàng kích thích cổ họng hoặc gây ra ho. Nhưng khi chất nhầy xuống thực quản và vào dạ dày, sẽ gây ra cảm giác buồn nôn. Nếu dị ứng trở nên tồi tệ, bạn nên dùng thuốc theo đơn của bác sỹ.
Tác dụng phụ của một số thuốc
Buồn nôn có thể là tác dụng phụ thường gặp của một số loại thuốc gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc tránh thai, thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh... Đường ruột xử lý thức ăn bằng cách giải phóng axit dạ dày - vì vậy khi bạn uống thuốc trước khi ăn, axit đó vẫn sẽ được giải phóng, gây kích thích hoặc buồn nôn. Để tránh tình trạng này, bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm chống buồn nôn. Nếu cơn buồn nôn trở nên trầm trọng, bạn có thể trao đổi với bác sỹ để giảm bớt liều lượng hoặc cần phải giảm các loại thuốc không cần thiết.
Trúc Linh (anninhthudo.vn)
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42