Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay xuất viện sau 4 tháng
Cô gái 20 tuổi ngộ độc pate Minh Chay xuất viện sau gần 4 tháng điều trị, vẫn ăn bằng ống xông, chưa chắc hồi phục hoàn toàn.
Bác sĩ Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết bệnh nhân ra viện hôm 24/11, có thể tự vận động, dấu hiệu sinh tồn ổn định, di chuyển không cần hỗ trợ trong khoảng 20 mét. Tuy nhiên, cô vẫn phải ăn uống bằng ống thông mũi - dạ dày.
"Tuy vẫn còn phải ăn qua ống thông dạ dày, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện rất nhiều so với 4 tháng trước", bác sĩ Phước nói.
Cô gái là bệnh nhân trẻ tuổi nhất, cũng nặng nhất trong ba người tại Đồng Nai bị ngộ độc botulinum sau khi ăn pate Minh Chay ngày 24/7. Sau ăn, họ đều xuất hiện triệu chứng nôn ói, khó nói, khó nuốt, sụp mi mắt, khó thở, yếu tứ chi, nhập Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai lần lượt các ngày 27 và 28/7. Diễn biến bệnh nặng dần, mi sụp hoàn toàn, suy hô hấp, phải thở máy, các bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, điều trị tiếp.
Tại Chợ Rẫy, cùng với hàng chục ca tương tự trên khắp cả nước, vào thời điểm đó, các bệnh nhân được xác định ngộ độc bolutinum do ăn pate. Trong một tháng, họ phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương năm lần cách nhật, tăng cường vitamin nhóm B... Khi tình trạng sức khỏe khả quan hơn, bệnh nhân được chuyển về lại Đồng Nai tiếp tục theo dõi và điều trị.
Nữ công nhân cười và giơ ngón tay khi bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tới Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hỗ trợ điều trị, hồi đầu tháng 9. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Theo bác sĩ Phước, bệnh nhân điều trị gần 120 ngày, trong đó phần lớn thời gian nằm bất động nên bị teo cơ, yếu cơ. Do đó, thời gian tới bệnh nhân phải tập vật lý trị liệu tăng cường sức cơ vận động và tập ngôn ngữ trị liệu. Khi bệnh nhân nói trôi chảy, nhai nuốt tốt thì rút bỏ ống xông. Quá trình này cần tập luyện từng chút một và đánh giá y tế sát sao.
Nhìn lại quá trình điều trị 4 tháng qua, bác sĩ Phước chia sẻ, có rất nhiều khó khăn cho cả đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân. Nguyên nhân chính là căn bệnh này quá hiếm, y văn thế giới mới chỉ ghi nhận vài trường hợp, không gặp trong thực tế từ lâu. Hướng dẫn điều trị bệnh không có, các bác sĩ vừa điều trị triệu chứng, vừa đúc rút kinh nghiệm và trao đổi với các bệnh viện bạn để tìm ra phác đồ tốt nhất cho bệnh nhân.
Nguồn thuốc kháng độc tố cũng là một vấn đề đau đầu các bác sĩ. Thuốc thuộc nhóm "mồ côi", rất ít hãng dược phẩm trên thế giới sản xuất. Tổ chức Y tế Thế giới phải tài trợ 10 lọ thuốc giải độc botulinum và chuyển khẩn cấp về Việt Nam. Khi nhận thuốc giải, nữ công nhân được sử dụng ngay. Mặc dù vậy, bệnh nhân đã nhiễm độc lâu ngày, độc tố gắn kết chặt và hủy hoại tế bào thần kinh nên sức cơ rất yếu, sống phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở.
Bệnh nhân còn phải đối mặt với các biến chứng khác, như rối loạn điện giải, nhiễm trùng bệnh viện... Đội ngũ y tế phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn, đồng thời duy trì tập vật lý trị liệu mỗi ngày ngay cả khi bệnh nhân trong trạng thái hôn mê.
Bác sĩ tiết lộ, riêng chi phí điều trị của bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hơn 400 triệu đồng, chưa kể thời gian điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thời gian và khả năng phục hồi của nữ công nhân, bác sĩ Phước cho hay "không thể tiên lượng được", bởi phụ thuộc vào sự cố gắng cùng chế độ luyện tập, dinh dưỡng của bệnh nhân. Các chuyên gia vật lý trị liệu chỉ có thể hỗ trợ bên ngoài cho bệnh nhân.
Trước đó, ngày 8/11, hai bệnh nhân khác ngộ độc botulinum đã được xuất viện.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02