Bé gái được cứu nhờ trao đổi khí không cần tim, phổi
Bệnh nhi 30 tháng tuổi sau 10 ngày điều trị ở bệnh viện nhi, chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thêm 12 ngày vẫn sốt cao, viêm phổi nặng.
Bé suy hô hấp, thêm cơn suyễn nặng, sức thở đuối dần dù được hỗ trợ thông khí áp lực dương liên tục. Phim chụp X-quang ghi nhận bé bị tổn thương phổi trắng xóa, phổi không thể trao đổi khí. Các bác sĩ đặt ống nội khí quản, cho thở máy thông số cao, chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 23/9.
Bé rơi vào trạng thái sốc, tụt huyết áp, tiên lượng rất xấu, độ bão hòa oxy trong máu chỉ còn 60%. Các bác sĩ hội chẩn khẩn, thống nhất áp dụng kỹ thuật trao đổi oxy màng ngoài cơ thể ECMO mode V-V. Phương pháp này được sử dụng trong các bệnh lý nguy kịch của phổi, sau khi đã tiến hành các biện pháp hồi sức hô hấp tích cực như thở oxy, thở máy thông số cao mà lượng oxy máu vẫn thiếu.
Bé gái được chạy ECMO, hỗ trợ tim phổi tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh do bệnh viện cung cấp. |
Nhóm các bác sĩ Nguyễn Kinh Bang, Dương Quốc Tường, Nguyễn Đạt Thịnh, Ngô Văn Tuấn An nhịp nhàng xẻ mạch máu, kết nối hệ thống trao đổi oxy màng ngoài cơ thể vào bệnh nhi. Sau 8 ngày, tình trạng bé tiến triển tốt, ngưng thuốc vận mạch hỗ trợ tuần hoàn, giảm thông số thở máy.
Bé rút được ống nội khí quản ngay sau khi cai ECMO, có thể tự thở. Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi tại Việt Nam được bỏ thở máy ngay sau khi chạy ECMO. Ngày 6/10, bệnh nhi gần như bình phục hoàn toàn.
Bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, trưởng kíp ECMO cho biết phương pháp này được áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp nặng do tổn thương phổi, trụy tim, suy tuần hoàn nặng đáp ứng kém hoặc không còn đáp ứng các biện pháp hồi sức thông thường. Đây là biện pháp cuối cùng, thay thế chức năng tim phổi, là tia hy vọng cho những bệnh nhân đang cận kề cái chết.
Đây là trường hợp trẻ viêm phổi nặng kèm suyễn, nguy kịch suy hô hấp cấp tiến triển đầu tiên được thực hiện ECMO mode V-V tại bệnh viện, cũng là trường hợp đầu tiên miền Nam.
Lê Phương
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42