Bác sĩ 4 lần phơi nhiễm HIV và 3.000 ca mổ cho bệnh nhân AIDS
4 lần phơi nhiễm HIV, bác sĩ Phùng Tú Lĩnh vẫn quyết tâm cầm dao mổ cho các bệnh nhân AIDS dù nhiều đồng nghiệp của mình đã khước từ.
Theo thống kê của Bộ Y tế Trung Quốc, tính đến cuối 2018 cả nước có 1,25 triệu người nhiễm AIDS. Những bệnh nhân này luôn là đối tượng bị xã hội xa lánh, kỳ thị. Cuộc sống đối với họ đã khó nay còn khó hơn khi sức khỏe gặp vấn đề và vấp phải sự từ chối tiếp nhận của các cơ quan y tế, phòng khám.
Câu chuyện về một bác sĩ đã đồng ý tiếp nhận và điều trị nhiều ca khó cho hàng nghìn bệnh nhân AIDS, đã mang lại ánh sáng và niềm tin vào cuộc sống cho những số phận đáng thương. Đó là bác sĩ Phùng Tú Lĩnh, chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện truyền nhiễm Hà Bắc, Trung Quốc.
Bác sĩ Phùng trong bộ đồ phẫu thuật cho bệnh nhân AIDS. Ảnh: Sohu
Dũng cảm cầm dao chiến đấu với thần chết
Bệnh nhân mắc AIDS thường có sức đề kháng kém và khi cần phải phẫu thuật, tình trạng bệnh đã chạm đến mốc sinh tử. Trước sự khước từ của nhiều đồng nghiệp cùng ngành, bác sĩ Phùng Tú Lĩnh đã dũng cảm cầm dao thực hiện. Với ông, đó là nhiệm vụ, trách nhiệm, là lương tri của một người thầy thuốc.
Mỗi lần cầm dao mổ là mỗi lần ông phải tự trang bị đồ phòng hộ đầy đủ, vì căn bệnh sẽ tìm đến ông bất cứ lúc nào. Lớp áo đầu tiên gồm áo mổ thường, mũ mổ, găng tay vô khuẩn. Lớp thứ hai là áo không thấm nước, găng tay thứ hai, mũ bảo hộ dạng trùm kèm kính che mặt. Lớp thứ hai này có thể bảo vệ ông trước dịch, máu từ cơ thể bệnh nhân dính lên da mình.
Khi được hỏi về nguy cơ truyền nhiễm khi thực hiện ca mổ cho bệnh nhân ông trả lời: “Chỉ cần khi thực hiện không để những vật dụng y tế hay xương bệnh nhân đâm vào mình là được rồi, làm nhiều rồi quen, không sợ nữa”.
Bộ đồ bảo hộ đặc biệt chỉ nhìn thấy trong các ca mổ cho bệnh nhân AIDS. Ảnh: Sohu
4 lần phơi nhiễm HIV nhưng vẫn cầm dao mổ
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1998, bác sĩ Phùng Tú Lĩnh làm việc ở Bệnh viện truyền nhiễm Hà Bắc. Không lâu sau, ông được xếp vào hàng ngũ các bác sĩ ngoại khoa chuyên thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp cho bệnh nhân ở bệnh viện này.
Nhớ lại lần đầu tiên cầm dao mổ cho một bệnh nhân AIDS bị nghẹt đường ruột do ung thư trực tràng, ông đã chần chừ vì khi đó vừa sợ vừa không đảm bảo được sự thành công của ca phẫu thuật. Tuy nhiên nghĩ đến sự đau đớn, thống khổ của bệnh nhân, ông đã cầm dao và thực hiện thành công ca phẫu thuật.
Một bệnh nhân đang phục hồi sau ca mổ cắt lách. Ảnh: Sohu
Sau đó, nhiều bệnh nhân ở khắp nơi trong cả nước đã tìm đến ông mang theo hy vọng sống. Theo lời một bệnh nhân bị u tuyến giáp, bác sĩ Phùng đã nói với cô: “Tôi làm phẫu thuật ở đây là vì những người như cô, biết là nguy hiểm nhưng tôi vẫn muốn làm”.
Trong nhiều năm cầm dao mổ bác sĩ Lĩnh đã bốn lần bị phơi nhiễm HIV. Năm 2012, khi khâu vết mổ, ông đã bị kim đâm rách tay. Sau đó, bác sĩ này phải dùng thuốc phơi nhiễm liên tục trong 28 ngày. Nhớ lại kỷ niệm này, ông vui vẻ chia sẻ: “Khi đó tôi giảm được 12 kg, đẹp trai hẳn ra”.
Bởi vậy, nếu nói trong lòng không một chút sợ hãi là không đúng, đó chỉ là lời trấn an bệnh nhân và chính bản thân của bác sĩ Phùng Tú Lĩnh.
Trong những lần điều trị phơi nhiễm, dưới tác dụng phụ của thuốc và áp lực nghề nghiệp, ông đã nhiều lần bị trầm cảm, muốn từ bỏ công việc đầy nguy hiểm này. Với suy nghĩ nếu mình không làm những bệnh nhân kia có thể sẽ không tìm được người điều trị, ông lại tiếp tục.
"Công việc này cũng phải có người làm, không là tôi thì là người khác. Mỗi một bệnh nhân hồi phục sau mổ là một niềm khích lệ đối với chúng tôi, thế là đủ”, bác sĩ Phùng Tú Lĩnh chia sẻ.
Diên Mai
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02