Viêm cột sống dính khớp: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm cột sống dính khớp là một bệnh viêm khớp mạn tính, còn có tên gọi là bệnh Bechterew, Strumpel... Bệnh thường gặp ở nam giới, tỷ lệ mắc bệnh dưới 30 tuổi chiếm 80%. Bệnh có tính chất gia đình chiếm 3-10%.
1.Tổng quan về viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là bệnh viêm khớp mạn tính thường gặp, hiện được xếp vào nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính. Nhóm này bao gồm một số bệnh được đặc trưng bởi sự kết hợp giữa hội chứng cùng chậu - cột sống, hội chứng bám tận (viêm tại các vị trí bám của gân ở các đầu xương) và hội chứng ngoài khớp ở các mức độ khác nhau.
Viêm cột sống dính khớp là hiện tượng viêm xảy ra ở mối nối giữa các đốt của cột sống lưng, hay giữa cột sống và xương chậu. Đôi khi hiện tượng viêm cũng được ghi nhận ở các vị trí khớp khác như khớp cổ tay, cổ chân, khớp cổ... Viêm cột sống dính khớp phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
Viêm cột sống dính khớp là bệnh viêm khớp mạn tính thường gặp.
2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của viêm cột sống dính khớp
Nguyên nhân gây bệnh viêm cột sống dính khớp hiện vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy bệnh có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Người ta thấy rằng, ở các cặp sinh đôi cùng trứng, tỉ lệ đồng mắc bệnh là 63%, ở các cặp sinh đôi khác trứng, tỉ lệ đồng mắc bệnh là 13%. Nếu có người thân trong gia đình (cha mẹ, anh chị em, con cái) mắc bệnh, khả năng bị viêm cột sống dính khớp tăng 6 -16 lần.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính gây ra viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy cả yếu tố di truyền gia đình và các yếu tố tác động từ môi trường sống đều có mối liên hệ tới bệnh viêm cột sống dính khớp.
Viêm cột sống dính khớp là hiện tượng viêm xảy ra ở mối nối giữa các đốt của cột sống lưng.
3. Dấu hiệu nhận biết viêm cột sống dính khớp
Những triệu chứng ban đầu của viêm cột sống dính khớp thường là: Đau mỏi cột sống và vận động cột sống không được linh hoạt. Do đó bạn sẽ thấy khó ngồi xổm, cảm giác đau khi muốn thay đổi tư thế ngồi. Những triệu chứng này thường bắt đầu ở độ tuổi cuối giai đoạn vị thành niên hoặc đầu giai đoạn trưởng thành.
Bệnh sẽ tiến triển âm thầm theo thời gian, cùng với đó bạn sẽ thấy cảm giác đau tăng dần lên, rồi các khe khớp cột sống dần dần bị thu hẹp lại, do đó sự vận động cột sống trở nên khó khăn hơn.
Cảm giác đau ở mỗi người bệnh rất khác nhau, một số người các cơn đau đến rồi đi trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng có bệnh nhân các cơn đau mỏi kéo dài liên tục. Cảm giác đau thường tăng vào cuối ngày.
Một số bệnh nhân có cảm giác tăng thân nhiệt, người cảm thấy nóng, nhưng khi đo nhiệt độ cơ thể thì không có hiện tượng sốt (thân nhiệt không quá 37 độ 5).
Chính vì những biểu hiện bệnh giai đoạn đầu khá mờ nhạt và không rõ ràng, cho nên bệnh nhân thường chủ quan và chỉ được chuẩn đoán bệnh khi bệnh ở giai đoạn cấp.
Triệu chứng ban đầu của viêm cột sống dính khớp là đau mỏi cột sống.
4. Biến chứng của viêm cột sống dính khớp
Bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng dính khớp cột sống và các khớp ngoại biên. Dính khớp cột sống gây ra gù. Dính khớp háng, khớp gối gây khó khăn cho việc đi lại. Dính khớp xương ức với các sụn sườn gây cứng lồng ngực làm giảm dung tích và chức năng của phổi.
Bệnh viêm cột sống dính khớp làm tăng mất khoáng xương, do đó các bệnh nhân thường dễ bị loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương bệnh lý. Gãy xẹp hoặc gãy lún đốt sống là một trong những gãy xương bệnh lý thường gặp nhất ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp, góp phần làm nặng thêm tình trạng gù và biến dạng cột sống.
Viêm cột sống dính khớp nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng gãy xẹp, lún cột sống.
5. Chẩn đoán xác định viêm cột sống dính khớp
- Các triệu chứng của bệnh là viêm màng hoạt dịch, thường gặp các khớp ở chi dưới đối xứng hai bên: Khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân, viêm điểm bám gân, viêm bao gân, viêm túi thanh dịch.
- Tổn thương cột sống và khớp cùng chậu (có thể kèm theo hoặc không tình trạng viêm khớp ngoại biên). Các tổn thương diễn biến qua hai giai đoạn đầu tiên là viêm và hủy khớp, sau đó là phục hồi thương tổn xương.
- Viêm khớp cùng chậu giai đoạn ≥ 2 hai bên hoặc 3 - 4 một bên.
Xác định viêm cột sống dính khớp ở giai đoạn sớm khi tổn thương chưa phát hiện được trên X quang quy ước, cộng hưởng từ có giá trị nhất trong việc phát hiện viêm khớp cùng chậu. Như vậy, những trường hợp chưa có tổn thương viêm khớp cùng chậu trên X quang quy ước, cần chỉ định chụp trên cộng hưởng từ.
Gãy đốt sống cấp tính là một trong những biểu hiện ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp.
6. Điều trị viêm cột sống dính khớp
Các phương pháp điều trị dựa vào tình trạng bệnh, mức độ hoạt động bệnh, các biểu hiện kèm theo:
- Biểu hiện hiện tại của bệnh (cột sống, khớp ngoại biên, điểm bám gân, triệu chứng và dấu hiệu ngoài khớp). Mức độ triệu chứng hiện tại, dấu hiệu lâm sàng và triệu chứng tiên lượng.
- Trạng thái lâm sàng chung (tuổi, giới, bệnh kèm theo, thuốc kèm theo, yếu tố tâm lý xã hội)
- Biểu hiện ngoài khớp và bệnh kèm theo: Có thể có các biểu hiện ngoài khớp như vẩy nến, viêm màng bồ đào và viêm ruột mạn tính. Đặc biệt với viêm màng bồ đào cần khám chuyên khoa mắt nhằm điều trị triệu chứng kết hợp.
- Cũng cần lưu ý đến các nguy cơ bệnh loãng xương, bệnh tim mạch ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp nhằm phát hiện, theo dõi và dự phòng
- Thay khớp háng: Chỉ định trong trường hợp bệnh nhân đau kéo dài, hạn chế vận động và có phá hủy cấu trúc rõ trên hình ảnh X quang. Trước kia thường cố gắng chỉ định ở bệnh nhân lớn tuổi (ít nhất trên 50 tuổi). Gần đây, tuổi không còn là một yếu tố cần quan tâm khi chỉ định thay khớp háng.
- Phẫu thuật chỉnh hình đối với cột sống: Chỉ định khi cột sống biến dạng.
- Ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp có gãy đốt sống cấp tính: Xét chỉ định phẫu thuật.
Duy trì và vận động thường xuyên là vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân viêm cột sống dính khớp.
7. Những lưu ý quan trọng đối với bệnh nhân viêm cột sống dính khớp
- Các liệu pháp vật lý trị liệu và vận động thể dục đối với viêm cột sống dính khớp cần được duy trì thường xuyên và vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân.
- Các liệu pháp trị liệu thuốc chỉ có thể kiểm soát viêm, giúp giảm đau chứ không có khả năng đẩy lùi bệnh hoàn toàn. Do đó, trên thực tế bệnh vẫn diễn biến âm thầm và sự linh hoạt của các khớp cũng dần bị hạn chế nếu không có chế độ tập luyện vận động.
Nguyên nhân của cứng khớp, dính khớp là do phản ứng viêm gây ra, một phần do người bệnh không vận động thường xuyên. Khi bị viêm, người bệnh thường rất đau đớn dẫn đến việc luôn tìm kiếm tư thế co lại (thu vai, cúi người, bước ngắn) hoặc ngại vận động để đỡ đau, do đó theo quá trình, các khớp sẽ bị cứng lại và càng khó vận động.
- Để đạt được hiệu quả cao trong điều trị, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc để chống lại quá trình viêm, đồng thời áp dụng các biện pháp trị liệu và vận động để duy trì sự linh hoạt của các khớp.
Bài tập đơn giản nhất và thường xuyên nhất đó là thở bằng lồng ngực, bệnh nhân cần phải thở sâu, mở rộng lồng ngực để phổi giãn một cách tối đa.
Bài tập này giúp cải thiện xương cột sống và để tránh để xương sườn dính vào cột sống. Do cột sống bị đau và cứng nên bệnh nhân viêm cột sống dính khớp thường có xu hướng cong người về phía trước và thường nằm nghiêng cong người. Tuy nhiên, để duy trì vận động của cột sống và đảm bảo tư thế tốt cho cơ thể, bệnh nhân được khuyên nằm trên mặt đệm phẳng cứng với tư thế nằm thẳng, không gối cao đầu.
Các chương trình tập luyện sẽ được tùy biến cho từng bệnh nhân. Bài tập bơi (bơi ếch) là một bài tập cho hiệu quả rất tốt đối với bệnh nhân viêm cột sống dính khớp, vận động dưới nước nên tránh những tác động đau chói, đồng thời có kết hợp nhịp nhàng giữa dãn cột sống, dãn phổi và vận động khớp háng.
Do khả năng dãn nở phổi của bệnh nhân viêm cột sống dính khớp rất hạn chế, vì thế bệnh nhân được khuyến cáo không nên hút thuốc, vì nó sẽ làm tăng tốc sẹo phổi và làm cho bệnh nhân càng khó thở hơn.
Đôi khi bệnh nhân có bệnh lý phổi nghiêm trọng liên quan tới viêm cột sống dính khớp có thể cần thở oxy và dùng thuốc để cải thiện tình trạng bệnh lý phổi.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02