Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh phổ biến ở nam giới nhưng số người hiểu biết về căn bệnh này còn hạn chế. Nhiều bệnh nhân đến khám muộn khi khối u xơ đã quá to và có các biến chứng.
Tuyến tiền liệt nằm ở đâu?
Tuyến tiền liệt là một tổ chức nhỏ bao quanh niệu đạo của nam giới, có chức năng sản xuất chất dịch, làm môi trường vận chuyển tinh trùng và tạo thành tinh dịch. Sau 48 tuổi, tuyến tiền liệt có khuynh hướng phát triển to lên, chèn ép vào niệu đạo và bàng quang, gọi là phì đại tuyến tiền liệt.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có hơn một nửa số nam giới trong độ tuổi 60 mắc phì đại tuyến tiền liệt, ở tuổi 70 chiếm gần 80% và hơn 80 tuổi, con số là 90%. Ở nước ta, tỉ lệ này chiếm khoảng hơn 50% nam giới.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh
TS.BS Hà Quốc Hùng - Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế, Bệnh viện Lão khoa TƯ - cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh phì đại tuyến tiền liệt là có sự "thức dậy" của các tế bào, các yếu tố gây viêm, vai trò của hormone nội tiết nam testosterone và các chất chuyển hóa, yếu tố tăng trưởng làm tăng sinh tế bào của tiền liệt tuyến.
Bệnh này do sự tăng hoạt động của các gene rối loạn sự chết có lập trình, các gene này không chết mà nó lại tăng lên làm cho phát triển tế bào tiền liệt tuyến.
Ban đầu, bệnh lý này thường không có triệu chứng mà âm thầm diễn ra, chỉ phát hiện được khi đi khám, siêu âm thấy tiền liệt tuyến to nhưng khi đó, bệnh nhân chưa có triệu chứng gì. Biểu hiện của bệnh này là từ từ tăng dần, bệnh nhân thấy thích nghi được, cảm giác không có gì bất thường.
Triệu chứng rõ nhất là cảm giác bất thường ở vùng bàng quang, đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp, tiểu không kiểm soát, tiểu ngắt quãng, rặn tiểu hoặc tia nước tiểu yếu hơn so với trước. Một số triệu chứng sau khi đi tiểu có thể gặp là cảm giác đi tiểu không hết, hoặc nhỏ giọt.
Biến chứng và cách điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt
Một số bệnh nhân bị bệnh nhưng không đi khám, dùng thuốc theo bạn bè mách hoặc tự dùng thuốc, chỉ đến khi triệu chứng nặng lên và có những biến chứng làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống thì lúc đó mới đi viện. Có rất nhiều biến chứng, thường gặp sẽ là bí đái, đi tiểu cấp phải đặt xông tiểu, nhiễm trùng đường tiểu, sỏi bàng quang, sỏi tiết niệu, những tổn thương ở bàng quang, dãn bể thận, viêm bể thận có thể dẫn đến suy thận, trầm cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Với các trường hợp đã bị biến chứng thì các bác sĩ sẽ cân nhắc việc can thiệp để mổ. Ảnh minh họa
Theo các nhà khoa học, khuyến cáo điều trị nội khoa để giải quyết các triệu chứng và đề phòng biến chứng của bệnh. Với các trường hợp đã bị biến chứng thì các bác sĩ sẽ cân nhắc việc can thiệp để mổ.
Có một số trường tuyến tiền liệt sau khi mổ hoặc sử dụng phương pháp laser cũng sẽ bị tăng sinh trở lại. Tùy từng phương pháp mổ và từng bệnh nhân mới bị tái lại, hoặc có thể bệnh nhân không bị tái phát mà bị sơ hẹp cổ bàng quang, làm hẹp đường ra nên các triệu chứng quay trở lại.
Bệnh này là do quá trình lão hóa, thái hóa. Để phòng ngừa bệnh này ở người cao tuổi, cần tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ ăn cay nóng; cần tập luyện, uống đủ nước ban ngày, sau 18h nên uống ít để tránh tiểu đêm.
Nếu có những biểu hiện bệnh như trên, cần đến các cơ sở y tế có uy tín để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.