Đó là bệnh nhân nam, 55 tuổi, được một bệnh viện tuyến tỉnh chuyển đến với chẩn đoán dị vật thực quản dạ dày, nguy cơ thủng thực quản nguy hiểm tính mạng.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, qua thăm khám và khai thác thông tin của gia đình, các bác sĩ được biết bệnh nhân đã có tiền sử tâm thần phân liệt 30 năm.
Người nhà của bệnh nhân cho biết: Khoảng 1 năm trước, đã có lần người bệnh cũng nuốt các dị vật và đã được phẫu thuật lấy dị vật tại bệnh viện tỉnh. Thời gian gần đây, gia đình thấy bệnh nhân không chịu ăn, kêu đau vùng cổ nên đưa đến cơ sở y tế. Tại bệnh viện tỉnh, các bác sĩ xác định có một chiếc dao lam nằm ngang vùng hạ họng, ngay miệng thực quản của bệnh nhân, có nguy cơ gây thủng thực quản nên đã cho chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Tiếp nhận người bệnh, ca trực cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành lấy được nguyên con dao lam găm vào thành sau họng, may mắn không có biến chứng xảy ra. “Tuy nhiên, sau khi gắp chiếc dao lam ra, chúng tôi tiếp tục nội soi kiểm tra trong dạ dày của bệnh nhân này và phát hiện vẫn còn vô số dị vật khác trong dạ dày, nhưng không thể lấy bỏ qua đường nội soi thông thường nên đã đề xuất phẫu thuật lấy các dị vật ra”, một bác sĩ nội soi cho biết.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân: ‘‘Khi mở dạ dày, chúng tôi tìm thấy trong đó rất nhiều cục dị vật lổn nhổn khác nhau, cảm giác như mò đồ bỏ quên dưới biển. Từng khối dị vật được đưa ra khỏi dạ dày bệnh nhân, như bật lửa nguyên gas, viên đá, hòn sỏi, túi ni lông, hạt bàng... Hầu hết dị vật đã chuyển màu xám đen do nằm lâu trong dạ dày (ảnh). Phải mất hàng giờ đồng hồ chúng tôi mới lấy bỏ được toàn bộ dị vật ra khỏi dạ dày bệnh nhân”.
PGS-TS Nguyễn Đức Chính cho biết thêm: “Vì bệnh nhân 55 tuổi là người mắc bệnh
tâm thần phân liệt nên chúng tôi đã tư vấn cho gia đình về việc chữa bệnh, quản lý bệnh nhân tại nhà, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra nếu bệnh nhân tiếp tục nuốt những vật nguy hiểm”.
Theo các phẫu thuật viên, ca bệnh nêu trên gần tương tự với các bệnh nhân mắc hội chứng “tóc mây” hay hội chứng Rapunzel thường gặp ở các trẻ gái có rối loạn tâm lý, tự bứt tóc mình và nuốt vào dạ dày. Người mắc hội chứng Rapunzel ăn tóc của mình hoặc người khác, thậm chí ăn cả tóc búp bê, khiến cho tóc bị rối và mắc kẹt trong dạ dày, ruột, lâu ngày gây tắc, thủng ruột.
Gần đây có trường hợp cháu bé 5 tuổi ở Quảng Ninh bứt gần trụi đầu, đau bụng, nôn; khi vào bệnh viện, bệnh nhi được phẫu thuật lấy cả búi tóc cuộn trong dạ dày, nguyên nhân làm trẻ ăn kém và đau bụng thường xuyên.
Liên Châu
Link nguồn:
Theo thanhnien.vn