Bảo vệ trẻ trước các bệnh truyền nhiễm khi quay trở lại trường mùa dịch
Thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi liên tục, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Trong chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề " Bảo vệ trẻ trước các bệnh truyền nhiễm khi quay trở lại trường mùa dịch" do báo Sức khoẻ & Đời sống tổ chức. TTƯT. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai đã chia sẻ về vấn đề này.
Trẻ em dễ mắc bệnh truyền nhiễm
Trẻ em do hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện và bé không có ý thức phòng bệnh, hay đưa mọi thứ vào miệng, tay chạm vào các đồ vật mà không rửa tay sạch….nên có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn người lớn.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thường là vi khuẩn, virus… đây được coi là mầm bệnh. Có nhiều con đường lây bệnh, một số bệnh lây truyền qua đường không khí, lây nhiễm khi tiếp xúc ho, hắt hơi. Một số khác phát triển trong môi trường ô nhiễm, vệ sinh kém và xâm nhập vào cơ thể trẻ nhỏ qua đường tiêu hóa.
Trẻ em ở giai đoạn đi học, hệ miễn dịch kém và lúc này mới bắt đầu hoàn thiện, trong khi cơ thể của bé hằng ngày tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh từ môi trường. Do đó, ở tuổi này bé hay mắc các bệnh như: cúm, nhiễm khuẩn hô hấp, bệnh tai mũi họng…Đặc biệt đối với các bệnh như: sốt virus, viêm phổi, viêm họng do virus... là nhóm bệnh mà trẻ dễ mắc phải và lây nhiễm nhanh và hiện tại dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp. BS Dũng nhấn mạnh.
Tiêm vaccin là biện pháp tốt nhất để giúp cho trẻ có khả năng tránh được các bệnh truyền nhiễm.
Cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ trước khi quay lại trường?
Mặc dù ngày nay việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã dễ dàng hơn nhiều so với trước đây, nhưng tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em vẫn khá cao.
Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ, trong số 10 triệu ca tử vong hàng năm ở trẻ em dưới 5 tuổi, một tỷ lệ lớn có liên quan lớn đến các bệnh truyền nhiễm. Trong đại dịch COVID-19, số trẻ em mắc bệnh cũng có xu hướng tăng lên.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nhi khoa và Hiệp hội Bệnh viện Nhi Mỹ, trong tuần đầu tiên của tháng 9, gần 252.000 trẻ em nước này đã dương tính với virus SARS -CoV-2 khi quay trở lại trường học tập.
Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng, nhưng tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc cho học sinh quay lại trường lớp đòi hỏi mỗi bậc phụ huynh và nhà trường cần có những phương án và sự chuẩn bị kỹ càng để bảo vệ sức khoẻ của trẻ.
Bên cạnh việc chuẩn bị kỹ càng cho trẻ về mặt tâm lý cha mẹ còn phải đặc biệt chú ý việc cho trẻ tham gia tiêm phòng đầy đủ những loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và những loại vaccine như: Rubella, thủy đậu, cúm, quai bị… Vì tiêm vaccin là biện pháp tốt nhất để giúp cho trẻ có khả năng tránh được các bệnh truyền nhiễm.
Tỉ lệ mắc bệnh truyền nhiễm ở trẻ có nguy cơ cao vì vậy BS Dũng khuyến cáo, để phòng tránh những bệnh truyền nhiễm vần phải vệ sinh cá nhân cho trẻ.
Cha mẹ thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn bé rửa tay đúng cách trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc là bất cứ khi nào mà bé tiếp xúc nguồn lây như vật nuôi, đất cát để hạn chế được sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể của trẻ nhỏ. Nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ và luyện cho trẻ có những thói quen tự giác chăm lo cho sức khỏe của bản thân từ nhỏ thì cần tắm và hướng dẫn bé tắm rửa sạch sẽ hàng ngày .
Thường xuyên vệ sinh nơi ở, phòng ngủ khu sân chơi và các đồ vật bé thường cầm năm. Cần chú ý tới việc chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là trong mùa COVID-19 thì phải rửa tay thường xuyên, và đeo khẩu trang.
Do thời tiết giao mùa và dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé: Các loại virus gây bệnh truyền nhiễm như là cúm, sởi, viêm họng, virus… chỉ có thể tấn công vào những người có cơ thể yếu, sức đề kháng kém.
Nếu chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày không hợp lý, không đầy đủ dinh dưỡng sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch tự nhiên trong cơ thể mỗi người. Do vậy, cần cho bé ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, giầu dinh dưỡng vitamin, tăng cường ăn rau xanh, quả chín…
Với những trẻ khi có các biểu hiện bệnh lý như sốt, chảy nước mũi hoặc các bệnh lý về truyền nhiễm thì không nên cho trẻ đi học, hoặc tập trung những nơi đông người, hay chơi với các bạn khác vì dễ lây nhiễm mà cần cho trẻ đi khám và nghỉ ngơi tại nhà, BS Dũng khuyến cáo.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02