5 bệnh lý thường gặp ở vùng hậu môn và cách điều trị
Những bệnh lý tại vùng hậu môn như: ngứa, áp xe, nứt kẽ hậu môn, rò hậu môn, đặc biệt là bệnh trĩ luôn là "nỗi khổ khó nói", khiến nhiều người bệnh mất tự tin, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Vậy, triệu chứng và phương pháp điều trị các bệnh này như thế nào?
Thông tin chia sẻ uy tín, chuẩn xác từ ThS. BS. Nguyễn Ngọc Đan - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Hậu môn là đoạn cuối cùng của ống tiêu hoá, cao khoảng 3-4cm, với chức năng chính là đào thải phân ra ngoài. Do vậy tất cả những rối loạn, bất thường, sang chấn của hệ tiêu hoá đều có thể tác động gây nên các tình trạng bệnh lý tại hậu môn.
Một số bệnh lý thường gặp ở vùng hậu môn
1. Áp xe cạnh hậu môn
Áp xe cạnh hậu môn là gì?
Áp xe hậu môn là tình trạng mưng mủ ở gần khu vực hậu môn. Phần lớn áp xe hậu môn là kết quả của nhiễm trùng từ những tuyến hậu môn nằm phía trong lòng hậu môn. Bệnh có thể gặp ở bất cứ ai trong độ tuổi nào, ngay cả với trẻ sơ sinh.
Hình ảnh áp xe hậu môn.
Triệu chứng áp xe cạnh hậu môn
Bệnh nhân có cảm giác có khối sưng đau cạnh hậu môn, đau tăng lên khi đè ép vùng hậu môn (ngồi, chạm vào ổ viêm…). Có khi khối áp xe tự vỡ chảy mủ ra da. Một số trường hợp áp xe lớn người bệnh có thể có sốt thậm chí bí đại tiện, bí tiểu tiện. Thăm khám thấy khối căng tấy cạnh hậu môn, ấn vào rất đau, đôi khi có thể thấy mủ chảy ra từ hậu môn.
Điều trị áp xe cạnh hậu môn
Áp xe hậu môn không được điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng là rò hậu môn. Vì thế người bệnh cần nhanh chóng chữa trị kịp thời tránh để bệnh biến chứng.
Khi được chẩn đoán áp xe cạnh hậu môn người bệnh cần phải được phẫu thuật để trích rạch dẫn lưu mủ ổ áp xe ra ngoài tránh tình trạng nhiễm trùng lan rộng. Kháng sinh không thể điều trị khỏi bệnh, thường chỉ dùng phối hợp sau khi phẫu thuật.
2. Rò hậu môn
Rò hậu môn là gì?
Rò hậu môn (hay còn gọi là bệnh mạch lươn) là những nhiễm khuẩn mạn tính vùng hậu môn trực tràng. Bệnh thường khởi đầu bằng các ổ mưng mủ, tấy, đau cạnh hậu môn ( áp xe cạnh hậu môn), sau đó vỡ mủ tạo thành một ổ viêm trên da cạnh hậu môn sưng đau chảy dịch từng đợt. Đây là dạng bệnh lý rất thường gặp vùng hậu môn.
Hình ảnh rò hậu môn.
Triệu chứng rò hậu môn
- Giai đoạn đầu bệnh thường bắt đầu bằng một khối sưng đau cạnh hậu môn (áp xe cạnh hậu môn).
- Sau khi khối áp xe quanh hậu môn vỡ ra bệnh nhân đỡ đau, vị trí vỡ thường tự liền lại nhưng để lại một núm tổ chức hạt lồi hoặc hơi lõm cạnh hậu môn (lỗ rò ngoài). Tại vị trí này thường có dịch, mủ chảy ra từng đợt.
Phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị rò hậu môn duy nhất là phẫu thuật. Nguyên tắc điều trị là: Điều trị khỏi bệnh. Tránh tình trạng đại tiện không tự chủ sau mổ. Đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt cho người bệnh như: ít sẹo, đau ít, hồi phục sớm.
Các phương pháp phẫu thuật kinh điển như: cắt đường rò; đặt chun cao su và đường rò và thắt dần… là các phương pháp thường được sử dụng tại đa số các cơ sở y tế. Tuy nhiên các phương pháp này có nhiều hạn chế như: gây đau nhiều, thời gian nằm viện lâu, vết mổ lâu liền, nguy cơ làm tổn thương cơ thắt gây đại tiện không tự chủ…
Các phương pháp điều trị mới: Một số phương pháp thường sử dụng như: Phẫu thuật nội soi điều trị rò hậu môn (VAAFT); Phẫu thuật LIFT; Bơm keo sinh học vào đường rò. Đây là các phương pháp điều trị ít xâm lấn với nhiều ưu điểm như: ít đau, sẹo mổ nhỏ khoảng 1cm, bệnh nhân hồi phục và ra viện sớm sau 1- 2 ngày.
3. Nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn là gì?
Nứt kẽ hậu môn là tình trạng tổn thương ở niêm mạc của ống hậu môn, với biểu hiện đặc trưng là các vết rách dọc ống hậu môn dài khoảng 1cm, gây đau rát dữ dội sau khi đi đại tiện và có thể gây chảy máu theo phân.
Hình ảnh nứt kẽ hậu môn.
Triệu chứng điển hình
Một số triệu chứng điển hình của bệnh nứt kẽ hậu môn bao gồm:
- Đau rát hậu môn sau đại tiện: Đau có thể kéo dài vài phút, hàng giờ thậm chí cả ngày, tuỳ theo mức độ tổn thương
- Đại tiện ra máu đỏ theo phân: Máu có màu đỏ tươi, máu có thể thấm trên giấy vệ sinh hoặc nhỏ thành giọt.
- Vết nứt dọc hậu môn: Nếu quan sát kỹ có thể thấy các vết nứt dọc hậu môn dài khoảng 1cm hình vợt, gây đau khi tiếp xúc
Điều trị nứt kẽ hậu môn
Trong giai đoạn sớm điều trị nội khoa có thể khỏi bệnh bao gồm: chế độ ăn tránh táo bón, chế độ thuốc và chế độ ngâm rửa vệ sinh hậu môn.
Nếu để muộn hoặc điều trị nội khoa không đỡ cần được phẫu thuật để điều trị dứt điểm bệnh.
4. Ngứa hậu môn
Ngứa hậu môn là một tình trạng phổ biến diễn ra ở trong hoặc xung quanh hậu môn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như các bệnh về da, thói quen vệ sinh hoặc chế độ ăn uống của bạn có thể kích hoạt triệu chứng ngứa.
Một số nguyên nhân thường gặp gây ngứa hậu môn
- Vệ sinh vùng hậu môn không sạch có thể gây nên tình trạng viêm nhiễm dẫn đến ngứa. Do vậy cần vệ sinh sạch vùng hậu môn sau đại tiện và đảm bảo khô thoáng.
- Một số bệnh lý vùng hậu môn: Một số bệnh vùng hậu môn như: trĩ, da thừa hậu môn, rò hậu môn, đại tiện không tự chủ… có thể gây tiết dịch, phân gây viêm nhiễm vùng hậu môn gây ngứa.
- Nhiễm nấm: Giống như viêm âm đạo do nấm, khi bị nhiễm nấm ở hậu môn cũng có triệu chứng gây ngứa. Ngoài ra, một số loại vi khuẩn cũng gây triệu chứng ngứa ở hậu môn, có thể gây ra phát ban đỏ, ngứa quanh hậu môn.
- Sùi mào gà vùng hậu môn - sinh dục: Virus HPV là một bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra mụn cóc ở hậu môn - sinh dục với ngứa là triệu chứng điển hình. Chúng phát triển bên trong và xung quanh hậu môn và có thể lan lên bộ phận sinh dục. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị mụn cóc ở hậu môn, hãy đi khám bác sĩ. Nếu không được điều trị, chúng có thể phát triển lớn hơn và nhiều hơn, nguy cơ cao dẫn đến ung thư hậu môn.
- Giun kim: Giun kim xâm nhập vào cơ thể khi bạn khi thực phẩm bị ô nhiễm có chứa trứng giun kim hoặc ở trẻ em có thói quen cho tay bẩn vào miệng. Giun kim thường gây ngứa hậu môn ở trẻ em vào ban đêm, khi giun cái đẻ trứng quanh hậu môn. Bạn có thể nhìn thấy chúng trong đồ lót hoặc trong nhà vệ sinh sau khi đi vệ sinh do hình dạng của chúng trông giống như những mảnh nhỏ sợi màu trắng.
- Ngoài ra còn nhiều các nguyên nhân khác có thể gây ngứa hậu môn như: ghẻ, bệnh vẩy nến, eczema; các bệnh toàn thân như đái tháo đường, bệnh bạch cầu… cũng có thể gây ngứa hậu môn.
Nhiễm giun kim là nguyên nhân phổ biến gây ngứa hậu môn ở trẻ em.
Cần làm gì khi bị ngứa hậu môn?
Trước tiên cần đảm bảo vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ, khô thoáng, không mặc đồ lót quá chật, có chế độ ăn hợp lý, tránh đồ uống có cồn, cafe, thức ăn cay, socola…
Nếu triệu chứng ngứa không thuyên giảm cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp điều trị đúng vì ngứa hậu môn còn có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau.
5. Bệnh trĩ
Bệnh trĩ là gì?
Trĩ là tình trạng bệnh lý xuất hiện do sự giãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch vùng hậu môn- trực tràng. Từ đó gây sưng tấy, đau, hay chảy máu hậu môn, đặc biệt sau mỗi lần đại tiện.
Triệu chứng bệnh trĩ
Bệnh trĩ có 3 triệu chứng thường gặp nhất là: chảy máu khi đại tiện, khối trĩ sa hậu môn và đau vùng hậu môn.
- Chảy máu khi đại tiện: Đây là triệu chứng thường gặp nhất. Giai đoạn đầu đại tiện máu số lượng ít, máu đỏ tươi dính phân, hay thấm giấy vệ sinh. Về sau, khi trĩ lớn máu có thể nhỏ giọt hoặc thành tia sau khi đại tiện khiến bệnh nhân rất lo lắng.
- Khối trĩ sa hậu môn: Khối trĩ sa từng búi hay cả vòng trĩ khi đi ngoài hoặc gắng sức. Bó trĩ sa có thể tự co lên, phải dùng tay đẩy lên hay sa thường xuyên kèm chảy dịch hậu môn, ngứa… gây khó chịu.
- Đau vùng hậu môn: gặp khi có tắc mạch trĩ hoặc trĩ sa nghẹt phía ngoài hậu môn.
Ngoài ra còn có thể gặp một số triệu chứng khác như: ngứa vùng hậu môn do viêm nhiễm quanh hậu môn, chảy dịch nhầy vùng hậu môn hay gặp ở những bệnh nhân sa trĩ nặng…
Điều trị bệnh trĩ
Bệnh trĩ có thể điều trị đơn giản bằng chế độ ăn uống (chống táo bón, hạn chế bia rượu và chất kích thích), điều chỉnh chế độ làm việc, sinh hoạt cho đến các biện pháp can thiệp vào búi trĩ từ đơn sơ đến phức tạp như: nong hậu môn, tiêm xơ, dùng tia hồng ngoại, thắt trĩ bằng vòng cao su, hay bằng các loại hình phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ (phương pháp Whitehead, phương pháp Toupet, phương pháp Milligan- Morgan, phương pháp Ferguson…).
Hiện nay có nhiều phương pháp mới điều trị bệnh trĩ với mức độ xâm lấn ít hơn, an toàn, ít đau, tỷ lệ khỏi bệnh cao như: phẫu thuật Longo; khâu triệt mạch trĩ dưới dướng dẫn siêu âm; tạo hình mô trĩ bằng Laser…
Việc lựa chọn phương pháp điều trị dựa vào một số yếu tố như: độ của trĩ, loại trĩ, và các biến chứng do trĩ gây ra. Bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám kỹ để quyết định phương pháp điều trị phù hợp.
Tăng cường ăn rau củ quả tươi để bổ sung chất xơ phòng bệnh trĩ.
Các biện pháp phòng bệnh trĩ
Để phòng ngừa tốt bệnh trĩ, cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học:
- Tăng cường chất xơ (rau xanh, củ quả tươi, ngũ cốc); Hạn chế ăn thức ăn cay nóng, nhiều gia vị như ớt, hạt tiêu; Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, chè đặc.
- Chú ý uống đủ nước, đảm bảo lượng nước cho cơ thể mỗi ngày khoảng 2 lít nước đối với người trưởng thành. Nước sẽ giúp cho phân mềm để khi đi vệ sinh phân dễ dàng đi qua hậu môn hơn, giúp ngăn ngừa táo bón dẫn đến bệnh trĩ.
- Không nên làm việc quá sức kéo dài. Không ngồi làm việc, ngồi xổm hay đứng quá lâu. Chịu khó vận động thể lực, cách tốt nhất là tập thể dục đều đặn hàng ngày như đi bộ, bơi lội…
- Tập thói quen đi đại tiện hàng ngày vào một giờ nhất định. Nên đi vệ sinh ngay khi cảm thấy mắc đi đại tiện. Không nên nhịn hay ngồi lâu khi đại tiện.
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Bẻ khớp cổ nguy hiểm thế nào
10/05/2024 - 11:23:31
- Buồng trứng đa nang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
25/03/2024 - 11:14:15
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Vì sao men gan tăng cao?
29/02/2024 - 10:52:02