Mang thận ra rửa rồi ghép lại vào cơ thể bệnh nhân
Bệnh nhân đã có dấu hiệu suy thận nên các bác sĩ buộc phải tiến hành ghép thận tự thân để hai thận bổ sung chức năng cho nhau.
Bệnh nhân L.V.D. 57 tuổi, được chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh Hải Dương lên cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) sau tai nạn xe máy.
Thực hiện chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện thận bên phải người bệnh có huyết khối động mạch cực trên, mất phần cấp máu cho cực trên, thận bên trái thiếu máu hoàn toàn, chức năng thận giảm, có biểu hiện suy thận.
Người bệnh đã được hội chẩn liên khoa Tiết niệu - Tim mạch - Ghép tạng, bác sĩ quyết định mổ ngay để cứu sống thận bên trái, tránh suy thận do đa chấn thương.
Thông thường, với những tổn thương tắc động mạch thận, phẫu thuật sớm từ giờ thứ 6-8 sau tai nạn mới có thể cứu được thận. Tuy nhiên, trường hợp này khi được chuyển vào phòng mổ đã bước sang giờ thứ 24, quá thời gian vàng cho một ca ghép thận tự thân.
Các bác sĩ cho biết, nếu bệnh nhân không có biểu hiện suy thận, có thể không ghép thận tự thân và để bệnh nhân sống bằng thận còn lại. Nhưng trường hợp ông D. đã có dấu hiệu suy thận, bác sĩ bắt buộc phải tiến hành ghép thận tự thân để hai thận vẫn bổ sung chức năng cho nhau.
Phim trước mổ của người bệnh, thận phải mất 1/2 chức năng, thận trái mất hoàn toàn. Ảnh: BVCC |
Nhóm phẫu thuật đã thực hiện song song hai kíp rửa - ghép thận trái; kiểm tra các tạng trong bụng, cơ hoành và bảo tồn thận phải.
Quả thận trái sau khi được lấy nguyên vẹn khỏi cơ thể đã được rửa bằng dung dịch custodial, bơm dung dịch tiêu huyết khối, hy vọng đẩy máu cục trong các mạch máu nhỏ bên trong quả thận. Khoảng 30 phút sau rửa, thận có màu trắng và đã được ghép vào hố chậu trái.
Sau sáu tiếng, ca mổ thành công. Mười ngày sau phẫu thuật, chức năng thận của người bệnh đã trở lại bình thường.
PGS Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, người chỉ huy ca mổ, cho biết, trường hợp này là một điều kỳ diệu. Quả thận của bệnh nhân mặc dù bị thiếu máu rất lâu nhưng các mạch máu trong thận không bị tắc lại, thận sau rửa không tím đen.
“Bệnh nhân may mắn khi có thể giữ lại được quả thận, đảm bảo chức năng sống lâu dài”, PGS Thành nhấn mạnh.
Ghép thận tự thân là phương pháp ghép thận cùng một cơ thể, lấy thận của người bệnh ghép lại cho chính họ. Hình thức này được áp dụng khi cần giữ lại thận trong trường hợp thận có các chấn thương như hẹp động mạch thận, teo hẹp niệu quản phức tạp, chấn thương cuống mạch máu thận.
Thận sẽ được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh để phẫu thuật viên sửa lại các bệnh lý và khiếm khuyết của thận sau đó đưa trở lại cơ thể, ghép lại cuống mạch máu và niệu quản để nuôi sống thận.
TS Lê Nguyên Vũ, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thông tin, ghép thận tự thân mang lại nhiều ưu điểm, là giải pháp tối ưu khi thận bị tổn thương do chấn thương, tổn thương mạch máu, niệu quản.
Sau phẫu thuật, người bệnh không phải dùng thuốc thải ghép, thuốc điều trị ức chế miễn dịch.
Nguyễn Liên
Link nguồn:
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/ghep-than-tu-than-cuu-song-benh-nhan-bi-tai-nan-659565.html
Theo vietnamnet.vn
Tin nổi bật
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Chỉ còn một bên thận có ảnh hưởng sức khỏe?
27/05/2024 - 11:54:40
- Nguyên nhân gây són tiểu ở phụ nữ
21/03/2024 - 11:18:57
- Máu trong nước tiểu cảnh báo ung thư gì?
09/01/2024 - 10:39:58
- Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng thế nào tới phụ nữ?
03/07/2023 - 11:56:41
- 5 nguyên nhân khiến phụ nữ bị viêm đường tiết niệu
29/06/2023 - 10:06:47